Cà Mau: Gian nan giữ rừng ngập mặn

Lê Văn Hải - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERCà Mau có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú nhưng hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ rừng ngập mặn trước tình trạng chặt phá rừng trái phép và cháy rừng.

Cà Mau: Gian nan giữ rừng ngập mặn
Rừng U Minh Hạ, Cà Mau.

Cà Mau có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú mà khó nơi nào có được đó là rừng tràm ở vùng ngọt, lợ và rừng đước trải dài ven biển. Nếu như rừng tràm thường dễ xảy ra cháy vào mùa khô và hàng năm luôn được tỉnh Cà Mau dồn sức để bảo vệ, thì ngược lại rừng đước quanh năm tưởng chừng như không bao giờ xảy ra cháy nhưng lại cháy quanh năm.

Rừng vẫn còn nóng

Theo báo cáo của các chủ rừng trên khu vực rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau thì tình trạng chặt phá cây rừng trái phép vẫn còn diễn ra, nhất là khu vực rừng phòng hộ ven biển và khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau quản lý. 

Đối tượng chặt phá cây rừng được xác định là dân di cư tự do và dân nghèo tại địa phương. Số cây chặt phá được vận chuyển đi bán, dùng để đăng bắt thủy sản ven biển và hầm than, mức độ chặt rải rác, chưa phát sinh điểm nóng về phá rừng trái phép. 

Tuy nhiên về lâu dài cần phải có những giải pháp căn cơ, quyết liệt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc chặt phá cây rừng. Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện khu vực rừng ngập mặn phối hợp với các chủ rừng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra trên địa bàn, thường xuyên cài cắm thông tin để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi chặt phá cây rừng trái phép. Đặc biệt là cương quyết xử lý dứt điểm các lò hầm than trái phép trên lâm phần.

Ở phía bên trong là vậy, phía bên ngoài rừng diễn biến còn phức tạp hơn. với chiều dài bờ biển 254 km nhưng chỉ có khoảng 20 km đê kiên cố bằng bê tông còn lại là bằng đê đất mong manh ở khu vực đê Biển Tây, phía Biển Đông vẫn chưa có một mét đê nào. 

Trong khi đó tình trạng sạt lở ven biển trong những năm gần đây diễn ra phức tạp, thống kê mỗi năm mất đi hàng chục ha rừng do sóng biển. Đây sẽ là nguy cơ trực tiếp đe dọa đến vùng đất cực Nam này của Tổ quốc, nhất là ảnh hưởng đến sản xuất và nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn hộ dân sống trong và ven đê biển.

Nhiều giải pháp bảo vệ rừng

Cần phải sắp xếp, di dời, ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho dân nghèo và dân di cư tự do tại địa phương mới giải quyết dứt điểm tình trạng chặt phá cây rừng và hầm than trái phép” đó là nhận định chung của lãnh đạo các chủ rừng trên khu vực rừng ngập mặn.

Thực tế những năm qua, tỉnh Cà Mau đã đầu tư khá nhiều kinh phí để xây dựng các cụm tuyến dân cư để đưa dân vào sinh sống, nhưng số lượng dân di cư tự do đông, ngân sách tỉnh chưa đáp ứng đủ nên chưa di dời hết số dân di cư tự do và dân nghèo không đất sản xuất vào bên trong sinh sống. 

Bên cạnh đó các chủ rừng còn xây dựng phương án về giao khoán rừng phòng hộ sản xuất cho dân để họ có thể sống được nhờ nuôi thủy sản và tạo thành vành đai bảo vệ rừng xung yếu và đặc biệt là chống lâm tặc chặt phá cây rừng. 

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cũng đã đề xuất ngành chức năng tỉnh phối hợp cùng chính quyền các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn tổ chức rà soát lại những người đang làm nghề hầm than riêng lẻ, trái phép để có giải pháp tuyên truyền, sắp xếp việc sản xuất cho họ mang tính ổn định lâu dài. 

Đồng thời yêu cầu các chủ rừng có chỉ tiêu khai thác sẽ ưu tiên bán đấu giá cây rừng cho các hợp tác xã để có nguyên liệu sản xuất than. Việc làm này nhằm chấm dứt tình trạng móc nối để khai thác cây rừng trái phép lấy nguyên liệu hầm than.

Một góc rừng ngập mặn Cà Mau ( ảnh do fly cam chụp từ trên cao)

Điểm nỗi bật của công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả thời gian trên khu vực rừng ngập mặn của tỉnh là Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để hỗ trợ cho nhau trong công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng và truy quét lâm tặc; Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng thiết bị ghi hình từ trên cao ( thiết bị bay không người lái - fly cam) - đây là thiết bị hiện đại để theo dõi tình hình chặt phá cây rừng, cháy rừng và sạt lở ven biển từ trên cao. 

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, xây dựng đĩa CD tuyên truyền để gửi các chủ rừng, trạm truyền thanh các huyện, in ấn phát tờ rơi cho người dân để tuyên truyền về vai trò của rừng. Các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh như UN-REDD, SNV, GIZ cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về rừng. Qua tuyên truyền đã nâng cao được ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó mà số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thời gian qua trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể.

Đối với tuyến đê biển của tỉnh cũng cần phải đầu tư quyết liệt để bảo vệ diện tích rừng còn lại. Trước mắt một số đoạn sạt lở tại khu vực Biển Đông đã tiến hành gia cố lại và kêu gọi đầu tư xây kè kiên cố trong thời gian tới. Riêng tuyến đê Biển Tây tiếp tục được đầu tư xây dựng kè kiên cố để tạo bải trồng lại rừng. 

Khảo sát gần đây cho thấy, những đoạn kè ngầm hiện đất bùn đã lắng lọc và bồi tụ, cây rừng được trồng hiện đang phát triển và xanh tốt. Những đoạn bồi lắng xong, có khả năng trồng được rừng cũng sẽ khẩn trương triển khai trồng sớm để vừa khắc phục được sạt lở, vừa khôi phục lại rừng phòng hộ.

Ngày 19/10/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 44 về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Quyết định quy định cụ thể về tổ chức lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục và chế độ đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được phép sử dụng một số loại công cụ hỗ trợ như: súng bắn đạn cao su; dùi cui điện; mũ chống đạn được đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Đây là tín hiệu vui cho gần 400 lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng ở cơ sở của tỉnh Cà Mau.

Với những giải pháp căn cơ và quyết liệt trong công tác quản lý bảo vệ rừng ngập mặn mà tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai, cùng với đó là việc nâng cao được trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Tin rằng thời gian tới rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau sẽ được tiếp tục bảo vệ an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đặc biệt là chống chịu lại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu mà theo kịch bản biến đổi khí hậu, Cà Mau là tỉnh được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau