Các nước Đông Nam Á đối mặt với nhiều rủi ro tiền tệ nhất khu vực

Nguyễn Lê - 15:29, 04/10/2017

TheLEADERNgân hàng Thế giới (World Bank) nhận định tăng trưởng trong khu vực sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong năm 2017 và 2018 so với ước tính được công bố vào tháng 4.

Malaysia, theo sau là Indonesia, Thái Lan và Philippines, vẫn tiếp tục chịu rủi ro tỷ giá cao hơn các nền kinh tế đang phát triển khác ở Đông Á - Thái Bình Dương khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, theo báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới công bố vào thứ Tư (4/10).

Các công ty và ngân hàng ở những nước này có nợ nước ngoài khá lớn, mặc dù dự trữ ngoại hối hiện nay khá dồi dào.

Cụ thể, World Bank cho biết, tăng trưởng trong khu vực sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong năm 2017 và 2018 so với ước tính được công bố vào tháng Tư.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình tái cân bằng, giảm bớt tăng trưởng dựa trên đầu tư và chuyển sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng trong nước. Dự kiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 6,7% trong năm nay xuống 6,4% trong năm tới.

Dữ liệu ngày 3/10/2017. Nguồn: Bloomberg

Hầu hết các đồng tiền châu Á đã tăng so với đồng đô la trong năm nay do triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn.

Một số rủi ro tăng trưởng mà World Bank nêu bật bao gồm thâm hụt ngân sách, nợ trong khu vực tư nhân đạt mức cao ở hầu hết các quốc gia từ năm 2017-2019; cùng với đó là chính sách kinh tế tại một số nước vẫn chứa đựng nhiều bất ổn và căng thẳng địa chính trị trong khu vực tiếp tục leo thang.

"Viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu cải thiện chính là cơ hội để các nước khắc phục yếu kém đồng thời có thể theo đuổi các biện pháp cải cách đẩy mạnh tăng trưởng về lâu dài", ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết. "Cần tập trung ưu tiên giảm thiểu rủi ro nâng cao ổn định ngành ngân hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua việc hội nhập khu vực sâu hơn nữa".