Cách Nestlé, Lộc Trời, TTC AgriS làm nông nghiệp bền vững

Hồng Ánh - 10:05, 18/11/2023

TheLEADERĐầu tư vào công nghệ là cách nhiều doanh nghiệp đang sử dụng để giải bài toán phát triển bền vững ngành nông nghiệp theo hướng vừa giảm phát thải, vừa tạo ra giá trị cao.

Cách Nestlé, Lộc Trời, TTC AgriS làm nông nghiệp bền vững
Công nghệ cao là chìa khóa giúp nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Hoàng Anh

Một lượng lớn phát thải nhà kính đến từ việc sử dụng sai định mức các chế phẩm như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hay nói cách khác là canh tác chưa chính xác.

Khẳng định điều này tại hội thảo phát triển bền vững 2023 do báo Đầu tư tổ chức, bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ để hỗ trợ canh tác chính xác, qua đó đạt được mục tiêu bền vững.

Cụ thể, TTC AgriS đã ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh tích hợp giúp nông dân tiếp cận được với nghiên cứu khoa học về nông nghiệp, phân tích, đánh giá những thời điểm quan trọng trong canh tác cũng như sử dụng vừa đủ lượng chế phẩm, vừa tiết kiệm, vừa không gây hại tới môi trường.

“TTC AgriS có thể tính toán để hạn chế lượng dư thừa không cần thiết những nguyên liệu đầu vào trong quá trình canh tác nông nghiệp”, bà Duyên cho biết.

Cùng chung ý tưởng, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, công ty hàng đầu về sản xuất và kinh doanh lúa gạo này đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ hỗ trợ phun thuốc, bón phân theo đúng liều lượng, thông qua sử dụng máy bay không người lái.

Nhờ công nghệ này, thuốc bảo vệ thực vật được phun đều, đúng liều lượng, ít phải sử dụng nước, có thể dập dịch theo cụm, ngăn chặn dịch bùng phát, ngăn chặn tồn dư thuốc ra môi trường và đặc biệt là không để xảy ra hiện tượng người nông dân bị phơi nhiễm hóa chất độc hại.

Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng tham gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ chụp ảnh ruộng lúa bằng vệ tinh nhân tạo để tạo ra hình ảnh dữ liệu lớn, dự báo khí tượng, thủy văn, để đoán trước sản lượng lúa một cách khá chính xác.

Còn đối với ông lớn ngành hàng tiêu dùng nhanh Nestlé Việt Nam, ứng dụng công nghệ là hành trang không thể thiếu suốt hàng chục năm đồng hành với hơn 21 nghìn nông hộ để tái canh cây cà phê.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng đối ngoại cấp cao Nestlé Việt Nam, cho biết, khoảng hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp này đến từ nguồn cung ứng, do đó tập trung giảm thiểu lượng phát thải từ nguồn cung, cụ thể là từ những vườn cà phê được đặt làm trọng tâm để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Triển khai từ sớm chương trình nông nghiệp tái sinh mang tên NESCAFE Plan, Nestlé Việt Nam sử dụng công nghệ để cải thiện đa dạng sinh học trong vườn cà phê cũng như cải thiện chất lượng đất trồng, vừa đem lại dinh dưỡng cho cây, vừa giúp đất có thêm khả năng hấp thu khí thải carbon.

Trọng tâm của chương trình nông nghiệp tái sinh, theo bà Thương, nằm ở chính những người nông dân bởi bà con nông dân là chủ thể trực tiếp triển khai các sáng kiến phát triển bền vững.

Một lần nữa, công nghệ lại tiếp tục là điểm cộng của Nestlé Việt Nam. Cụ thể, thông qua ứng dụng công nghệ để tính toán đầu vào và đầu ra một cách phù hợp, Nestlé giúp người nông dân tiết kiệm vật tư, nâng cao năng suất, qua đó bảo vệ môi trường nhưng cũng cải thiện tích cực thu nhập, sinh kế cho bà con.

Bà Thương cho biết, hiện tại, Nestlé đang nghiên cứu ứng dụng thêm các công nghệ giảm phát thải, dự kiến sẽ sớm được đưa vào thực tiễn, giúp đóng góp tích cực vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của doanh nghiệp.

Từ thực tiễn của các doanh nghiệp, có thể thấy, công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để có thể thoải mái đầu tư nâng cao công nghệ.

Về điều này, ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng biến đổi khí hậu và môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, cho biết, không phải giải pháp công nghệ nào cũng tiêu tốn nhiều chi phí.

Mặt khác, một số công nghệ có thể đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể “gỡ” lại nhanh chóng nhờ vào tiết giảm nguyên liệu, vật tư đầu vào.

Một lợi thế lớn khác của việc ứng dụng công nghệ vào phát triển nông nghiệp bền vững được ông Lai chỉ ra là đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, truy vết dấu chân carbon của nông sản. 

Đây là những yêu cầu đang dần trở thành bắt buộc đối với nông sản muốn xuất khẩu ra những thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản hay châu Âu.