Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024

Nhật Hạ - 17:02, 01/03/2024

TheLEADERQuy định mới về chuyển giao công trình điện sang EVN, tăng trần giá vé máy bay nội địa; nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024.

Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt

Bộ Giao thông vận tải ngày 26/1 đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

Theo đó, các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024
Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Hoàng Anh

Cụ thể, kiểm tra sản xuất, lắp ráp được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp mới; kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện nhập khẩu mới, phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng; kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng.

Kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng, phương tiện chạy trên đường sắt đô thị, thiết bị tín hiệu đuôi tàu.

Chu kỳ kiểm tra định kỳ được quy định rõ theo loại phương tiện, thời gian khai thác. Đơn cử, với phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, chu kỳ kiểm tra đầu của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 28 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 36 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt quốc gia / đường sắt đô thị dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 14 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng.

Phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, thì chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe khách là 12 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Thông tư cũng quy định chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024.

Tăng trần giá vé máy bay nội địa

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Thông tư 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024 1
Các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều. Ảnh: Hoàng Anh

Theo đó, thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội; 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000-250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/chiều); đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/chiều).

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN

Nghị định 02/2024/NĐ-CP ngày 10/1/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hiệu lực từ 1/3/2024.

Công trình điện là tài sản công được chuyển giao theo quy định tại nghị định này gồm:

Công trình điện là tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị).

Công trình điện là tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tài sản công tại doanh nghiệp).

Công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước do ban quản lý dự án, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư (công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước).

Công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giá trị công trình điện tăng thêm do tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên công trình điện hiện hữu của đơn vị điện lực) do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hình thức không hoàn trả vốn và đơn vị điện lực thống nhất tiếp nhận (công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước).

Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc hình thành từ dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được các bên thỏa thuận chuyển giao cho đơn vị điện lực theo hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho đơn vị điện lực thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận (công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao được quy định tại Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1-2-2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 25/3/2024.

Nghị định quy định khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024 2
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao. Ảnh: Hoàng Anh

Mức ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với dự án đầu tư, các hoạt động trong khu công nghệ cao được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng và pháp luật có liên quan.

Ban quản lý khu công nghệ cao và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thuế, hải quan và các thủ tục liên quan theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình nhà đầu tư triển khai hoạt động tại khu công nghệ cao.

Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Quy định mới về thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản

Thông tư số 11/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản có hiệu lực từ 21/3/2024.

Theo thông tư, tổ chức thu phí là các cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận kết quả tài liệu địa chất, khoáng sản từ cơ quan cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản; phí nộp cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tổ chức thu phí được trích để lại 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 40% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Lệ phí cấp phép nhận chìm ở biển

Thông tư số 8/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/3/2024.

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển, bao gồm: Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển.

Tổ chức thu lệ phí là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mức thu lệ phí cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển được quy định như sau:

 Hoạt động cấp phépMức thu lệ phí (nghìn đồng/ giấy phép) 
Cấp giấy phép22.500
Cấp lại giấy phép7.000
Gia hạn giấy phép17.500
Sửa đổi, bổ sung giấy phép12.500

Tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí được ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu lệ phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản

Bộ Tài chính ngày 5/2 đã ban hành Thông tư số 11/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản.

Theo thông tư, tổ chức thu phí là các cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận kết quả tài liệu địa chất, khoáng sản từ cơ quan cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản; phí nộp cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tổ chức thu phí được trích để lại 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 40% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/3/2024.