Chống biến đổi khí hậu là động lực cho sự thay đổi

Phạm Sơn - 11:07, 25/02/2021

TheLEADERThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể trở thành động lực cho sự thay đổi, hướng tới xây dựng tương lai hòa bình và phát triển bền vững.

Chống biến đổi khí hậu là động lực cho sự thay đổi
Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp trực tuyến với Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Biến đổi khí hậu là thách thức hàng đầu của thể kỷ 21

Thế giới đã và đang bước sang thời kỳ của sự hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã một lần nữa chứng tỏ những tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống có thể trở nên tồi tệ và đe dọa trực tiếp đến toàn nhân loại như thế nào.

Cả nhân loại đang dần phục hồi trở lại sau cơn khủng hoảng, tuy nhiên, theo ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc, thế giới vẫn đang đặt trong tình trạng bị đe dọa bởi thách thức hàng đầu của thế kỷ 21, chính là biến đổi khí hậu.

“Những vấn đề biến đổi khí hậu đang dần định hình, những “cú sốc” về khí hậu như nhiệt độ cao kỷ lục, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán đang trở thành “hiện tượng bình thường mới”, không chỉ gây tổn hại tới môi trường tự nhiên mà còn đe dọa sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội”, ông Guterres phát biểu tại phiên họp với Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Từ thực tế trên, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cần có những nỗ lực hơn nữa trong vấn đề chống lại biến đổi khí hậu, với 4 ưu tiên cụ thể.

Đầu tiên là công tác phòng ngừa biển đổi khí hậu, thông qua những “cam kết khí hậu tham vọng và mạnh mẽ”, đặc biệt là mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm hạn chế mức nhiệt toàn cầu tăng lên quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đây được xem là ngưỡng an toàn để tránh được những thảm họa khủng khiếp đe dọa đến hàng trăm triệu người.

Thứ hai là sự bảo vệ đối với cộng đồng dân cư trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Để hạn chế được những tác động tiêu cực này, khả năng phục hồi và thích ứng là yếu tố quan trọng, cần có “bước đột phá”.

Thứ ba là duy trì quan điểm về an ninh đặt con người làm trung tâm. Theo lãnh đạo Liên hợp quốc, đại dịch Covid-19 chính là minh chứng cho thấy con người yếu ớt như thế nào trước cơn thịnh nộ của tạo hóa, từ đó đặt ra yêu cầu đặt con người làm trung tâm của các chương trình hành động để giảm thiểu hóa thiệt hại.

Cuối cùng là cơ chế hợp tác toàn diện, tận dụng lợi thế và nguồn lực của các quốc gia cũng như tổ chức, doanh nghiệp, giới học giả và các bên liên quan khác trên toàn thế giới để cùng chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Đồng quan điểm với ông Guterres, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo thể hiện vai trò của mình để giữ thế giới được an toàn, bởi “dù muốn hay không, đất nước và người dân của chúng ta sẽ phải đổi mặt với các tác động an ninh của biến đổi khí hậu”.

Chống biến đổi khí hậu là chủ trương lớn, quyết tâm chính trị cao

Trao đổi trong phiên họp đầu tiên với Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam là quốc gia nằm trong top 6 về việc chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, do đó “chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu luôn là chủ trương lớn, quyết tâm chính trị cao của Nhà nước Việt Nam”.

Trong bối cảnh ứng phó và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, chủ trương và quyết tâm đó vẫn không hề lay chuyển. Theo Thủ tướng, những thách thức của biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể trở thành động lực của sự thay đổi, hướng tới xây dựng “một tương lai hòa bình, phát triển bền vững hơn cho các thế hệ mai sau”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc “tạo lập hòa bình với thiên nhiên là nhiệm vụ trọng tâm của thế kỷ XXI”, Thủ tướng đề nghị Hội đồng bảo an cũng như cộng đồng quốc tế cần dành thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, kém phát triển đang phải chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu nhưng lại “thiếu nghiêm trọng về chuyên môn, nguồn lực”.

Mặt khác, các hành động bảo vệ môi trường, ngăn ngừa biến đổi khí hậu cần được đặt trên nền tảng về nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ và trách nhiệm chủ đạo của mỗi quốc gia. Chiến lược chống biến đổi khí hậu cũng đặt trọng tâm vào cộng đồng, người dân, đặc biệt là nhóm dễ chịu tổn thương nhất trong xã hội.

Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu hòa bình và thịnh vượng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn Hội đồng bảo an cũng như cộng đồng quốc tế có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng khi giải quyết các vấn đề an ninh trên thế giới. Hội đồng bảo an cần tiếp tục tăng cường năng lực cảnh báo, ngăn ngừa, giải quyết xung đột cũng như trung gian hòa giải các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế.