Chuyển đổi số không dẫn đến thất nghiệp hàng loạt ở Việt Nam

Nhật Hạ - 08:01, 29/03/2024

TheLEADERViệc đổi mới công nghệ ở Việt Nam là một quá trình diễn ra từng bước chứ không đột ngột, giúp doanh nghiệp, người lao động có thời gian để thích ứng dần, không tạo ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, đại diện Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết.

Một bộ phận lao động hiện đang lo lắng phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp trước sự đe dọa bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo (Al). 

Đơn cử như bạn Bùi Kim Ngọc, công nhân khai thác đào lò 12, Công ty Than Uông Bí – TKV đã bày tỏ mong muốn Chính phủ có giải pháp để tránh tạo ra thất nghiệp trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất nhanh.

Giải đáp vấn đề này tại buổi đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn, robot, tác động không nhỏ đến thị trường lao động.

Theo đó, nhiều hình thức việc làm mới xuất hiện, đồng thời các việc làm cũ cũng thay đổi do ứng dụng công nghệ 4.0.

Tuy nhiên sự tác động tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ thích ứng của các nền kinh tế.

Bà Hà cho rằng, ở Việt Nam, việc đổi mới công nghệ là một quá trình diễn ra từng bước chứ không đột ngột. Doanh nghiệp và người lao động có thời gian để thích ứng dần nên không lo xảy ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Do đó, điều quan trọng, người lao động nói chung và thanh niên nói riêng cần phải được trang bị kiến thức, năng lực, kỹ năng làm chủ công nghệ tránh được khả năng thất nghiệp của chính mình và không bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo không dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt ở Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà tại buổi đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên ngày 26/3. Ảnh: Nhật Bắc

Về giải pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội và các bộ có liên quan chú trọng kết nối cung cầu lao động, thị trường lao động, nâng cao năng lực hệ thống trung tâm việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên.

Quá trình tuyển dụng và giới thiệu việc làm được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó giúp thu hẹp khoảng cách địa lý giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Bộ ứng dụng công nghệ trong dự báo, phân tích thị trường lao động một cách chính xác, kịp thời để phục vụ cho công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên.

Giải pháp tiếp theo là phát triển việc làm dựa trên môi trường và thế giới công nghệ.

Chính phủ đã tạo môi trường, điều kiện, pháp lý tài chính, cơ sở hạ tầng doanh nghiệp, các ngành phát triển có thế mạnh như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ chế tạo, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh.

Việc này sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới như chip bán dẫn, qua đó tạo nên nhiều việc làm chất lượng, thu hút nhiều thanh niên, hỗ trợ cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, trong đó sử dụng được các nguồn vốn ưu đãi trong giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp có chính sách để thu hút sinh viên học các ngành khoa học công nghệ kỹ thuật, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại lao động để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ khuyến khích người lao động tăng khả năng tự học để học có thể cập nhật kiến thức cũng như thích nghi được với bối cảnh công nghiệp phát triển nhanh hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, công nghệ thông tin sẽ giúp giảm yếu tố con người, phải chấp nhận đào thải lao động, tạo ra cạnh tranh lớn hơn.

Giải pháp của Chính phủ là phải có phương án chuyển đổi lao động, đa dạng hóa thị trường lao động để tiếp nhận người không đáp ứng yêu cầu theo chuyển đổi số.

Theo Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ" (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện mới đây, chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 5/10 trong ASEAN, tăng một bậc so với năm trước.

So với toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181). Đây là năm thứ ba Việt Nam vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới.