Có tình trạng bỏ giấy phép con này lại 'đẻ' thêm giấy phép con khác

An Chi - 14:29, 15/01/2019

TheLEADERTheo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện đang có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại thêm giấy phép khác gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp .

Có tình trạng bỏ giấy phép con này lại 'đẻ' thêm giấy phép con khác
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Năm 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh. Ngay từ đầu năm, các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết 19 về cắt giảm điều kiện kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Qua đó, các bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh với tỷ lệ đề xuất hầu hết đều trên 50% và tiến hành xây dựng các nghị định để hiện thực hóa.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đến hết tháng 11/2018 đã có 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành. Ngoại trừ Bộ Công an không có đề xuất sửa đổi.

Một điểm đáng ghi nhận trong năm 2018 là những chuyển động tích cực, những điều kiện kinh doanh trước đây, tưởng khó bị xóa bỏ thì trong đợt rà soát năm 2018 cũng đã được cân nhắc, xem xét để cắt bỏ hoặc điều chỉnh.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất

Bên cạnh những mặt tích cực, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2018 vẫn có nhiều điểm hạn chế, chưa đạt kỳ vọng. 

Tại Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018 do VCCI tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, Nghị quyết 19/NĐ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mục tiêu tối thiểu trong đợt rà soát điều kiện kinh doanh năm 2018 là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện có. 

Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào từng phương án hay các quy định tại Nghị định, có thể thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế.

Giới hạn trong phạm vi rà soát hoạt động rà soát, xây dựng và ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh năm 2018 cũng chỉ tiến hành xem xét, sửa đổi các điều kiện kinh doanh bất hợp lý tồn tại trong các văn bản cấp Nghị định. Do đó, những điều kiện kinh doanh, dù biết là chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn không được rà soát bãi bỏ trong đợt này chỉ vì lý do quy định của văn bản cấp luật.

“Chính vì giới hạn này mà rà soát lần này gặp rất nhiều hạn chế khi chưa loại bỏ được triệt để các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thậm chí là loại bỏ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đáng nói, có tình trạng “bỏ cũ thêm mới” trong cắt giảm điều kiện kinh doanh", ông Tuấn cho hay.

Theo đó, một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động khi có một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác. Việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn nêu ví dụ về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP còn khó hơn so với quy định tại nghị định 59/2015/NĐ-CP khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.

Đồng quan điểm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đặt câu hỏi về tính thực chất của các hoạt động cải cách khi nhìn vào các hoạt động rà soát về điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành diễn ra thời gian qua. 

Theo đó, mặc dù có những động thái tích cực từ phía cơ quan nhà nước, nhưng chất lượng cũng như hiệu quả của các hoạt động này vẫn đưa đến nhiều băn khoăn từ phía cộng đồng doanh nghiệp. 

Ông Lộc lấy dẫn chứng về cắt giảm điều kiện kinh doanh mặc dù tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa khá cao, trên 50% nhưng vẫn thấy tính hình thức, đối phó trong đó. Có nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ (yêu cầu phương án kinh doanh từ có 04 nội dung còn 02 nội dung); nhiều điều kiện kinh doanh vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ trong đợt rà soát này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động rà soát này còn có nhiều hạn chế, phụ thuộc nhiều vào sự thiện chí của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chính vì vậy nhiều điều chỉnh, sửa đổi về điều kiện kinh doanh vẫn chưa thực sự theo nguyện vọng của cộng đồng kinh doanh.

Việc kết nối thủ tục trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia còn chậm. Tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia , dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục, tuy nhiên trong 68 thủ tục này thì chỉ có duy nhất một thủ tục là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác thì dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm một bản giấy.

Mặt khác, việc rà soát cắt giảm về danh mục, hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành còn chưa đồng bộ, điều này xuất phát từ việc thiếu một tiêu chí thống nhất trong việc rà soát để loại bỏ/giữ lại các loại hàng hóa này.

Theo ông Lộc, mặc dù năm 2018, Chính phủ đã có những chuyển động chính sách rất tích cực, thể hiện những nỗ lực vượt bậc trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, trong những chính sách hiện tại, đặc biệt về tư duy quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới, vẫn có rất nhiều rào cản. Điều này khiến cho niềm tin của các doanh nghiệp trở nên suy giảm.

Ông Lộc kỳ vọng các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới sẽ tháo bỏ các rào cản về môi trường kinh doanh, các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất hơn. Nhất là khi, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị quyết có tính chất “xương sống” trong năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh.