Đánh thức mỏ sắt Thạch Kê: Lựa chọn và đánh đổi?

Thu Phương - 07:00, 26/07/2017

TheLEADERHiệu quả kinh tế của việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê vẫn dừng lại ở tiềm năng, thế nhưng, những hậu quả đối với môi trường và xã hội lại đang tồn tại rất nhiếu vấn đề gây bức xúc dư luận.

Đánh thức mỏ sắt Thạch Kê: Lựa chọn và đánh đổi?
Dải đồi đất cát đổ thải có độ cao 50m

Bản báo cáo... đẹp!

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2008 với mức đầu tư hơn 9.932 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 3.898 ha. Đến năm 2014, dự án được điều chỉnh lại, với mức đầu tư hơn 14.517 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 4.821 ha.

Báo cáo giải trình của Công ty CP Sắt Thạch Khê cho biết, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn 544 triệu tấn, chiếm gần 60% trữ lượng của cả nước, quặng có hàm lượng sắt cao, hệ số bóc thấp (1,76m3/tấn) sẽ làm giảm giá thành sản xuất. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 9,5 năm.

Tại hội thảo "Góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh" tại Hà Nội sáng 25/7, ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê  cho biết: "Dự án sắt Thạch Khê nếu được triển khai sẽ tạo nguồn thu ngân sách lớn cho nhà nước. Theo tính toán hàng năm nộp ngân sách dự án là 1.200 tỷ đồng trong giai đoạn một, giai đoạn hai là 2.400 tỷ đồng. Tổng thu từ các khoản phí trên của dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều khoản thuế khác”.

Đối với nhà nước, ông Hưng khẳng định, dự án sẽ đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước theo quy hoạch ngành đã được Chính phủ phê duyệt, giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài, góp phần phát triển ngành thép Việt, đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao, tăng GDP cho quốc gia. Tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là dịch vụ và thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, về khía cạnh xã hội, dự án sẽ giúp tạo việc làm, giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn 3.490 lao động trực tiếp. Thu nhập của dân cư khu vực sẽ được cải thiện và nâng cao thông qua việc phát triển các dịch vụ phụ trợ, thương mại. 

Nhân dân khu vực này sẽ được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư công trình an sinh xã hội do công ty hỗ trợ ban đầu lên tới 247,5 tỷ đồng.

Lựa chọn và đánh đổi?

Tại hội thảo, theo GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam nhận định, báo cáo về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê của Công ty CP Sắt Thạch Khê có nhiều nội dung chưa hợp lý.

Ông Thuận cho biết, trước đó, các tập đoàn khai thác khoáng sản lớn của thế giới như Mitsubishi (Nhật), Croup (Đức), Gensor (Nam Phi)… đã tham gia đánh giá mỏ sắt Thạch Khê vào những năm 1991 – 1997; Tập đoàn Nga năm 2004 – 2007. Họ đã đầu tư khoan, lấy mẫu, đánh giá thân quặng, phân tích tài chính và lập báo cáo địa chất – mỏ. 

Kết quả đánh giá của những tập đoàn này cho thấy, hàm lượng kẽm trong quặng cao, do đó chi phí tuyển luyện tốn kém hơn. Điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình phức tạp dẫn đễn chi phí sản xuất cao.

Ngoài ra, Việt Nam chưa tiếp cận kinh tế thị trường thế giới. Cấp trữ lượng quặng Việt Nam đánh giá trước đây khác với tiêu chuẩn về trữ lượng và tài nguyên của quốc tế. Trữ lượng quặng sắt Thạch Khê là 544 triệu tấn mà Việt Nam công bố thực chất bao gồm cả trữ lượng có giá trị công nghiệp và tài nguyên dự tính. 

Cuối cùng các tập đoàn này đã đi đến kết luận rằng: Với công nghệ khai thác, giá thành quặng khai thác, tuyển, chế biến, giá sản phẩm gang thép lúc đó thì khai thác sắt Thạch Khê chưa có lãi và họ đã rút quân, không đầu tư tiếp.

GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam

Theo GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, các tập đoàn tư bản lớn, hoạt động theo cơ chế thị trường nhận thấy khai thác không có lãi, đã không tiếp tục đầu tư, vậy tại sao Công ty Sắt Thạch Khê dù kỹ thuật, công nghệ thua kém lại quyết tâm khai thác. Trong khi đó, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê không chỉ vô cùng khó khăn trong quá trình khai thác mà còn tạo ra những hậu quả khôn lường đối với môi trường và xã hội.

Cụ thể, ông Thuận cho biết, một trong những tác động môi trường nghiêm trọng của việc khai thác sắt Thạch Khê là tạo ra các bãi đổ đất đá thải mỏ lớn nhất Việt Nam ở vùng ven biển Hà Tĩnh. Theo thiết kế kỹ thuật của dự án mỏ sắt Thạch Khê, khối lượng chất thải từ đại công trường mỏ sắt gồm 194.970.000m3 đổ vào bãi thải Bắc, 262.5600.000m2 đổ vào bãi thải Nam, đến cao trình 50m ở giai đoạn một và 90m ở giai đoạn hai. Với tổng thải lớn như vậy sẽ gây ra vấn nạn bụi cát vào mùa gió Lào khô nóng; cát trôi, cát chảy vào mùa mưa, nhất là mưa bão… ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa ruộng vườn của cư dân địa phương.

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Thuận, sau khi đổ đầy các bãi thải trên đất liền, đất đá thải sẽ được đổ ra biển với tổng khối lượng 171.890.000m3, tạo nên một bãi thải dọc bờ, từ mép nước đến đường đẳng sâu âm -10m, bãi thải đạt đến cao trình bề mặt bãi +25m. 

Theo thiết kế mỏ, Công ty khai thác sẽ đắp đê bao để giữ ổn định bãi thải này. Giải pháp này là ý tưởng tốt, nhưng sẽ cần rất nhiều vốn đầu tư để khắc phục những hệ lụy môi trường phát sinh.

Trong khi đó, biển ven bờ Thạch Hải, tỉnh Hà Tĩnh là biển bãi ngang, độ dốc nhỏ, nơi đánh bắt thủy sản ven bờ bằng thuyền thúng và các tàu thuyền cỡ nhỏ của cư dân Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Khu vực này lại nằm trong khu vực có nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ, lại có dòng hải lưu hướng Bắc - Nam thường xuyên… Khi hình thành và tồn tại bãi đổ thải biển quy mô lớn sẽ làm thay đổi cân bằng của quá trình tương tác giữa biển và đới bờ.

"Tác động tổng hợp của thiên tai và động lực biển, dễ dàng phá hủy bải thải này, gây ra nhiều hậu quả như: Thay đổi nền đáy biển, xói lở bờ biển phía Bắc và Phía Nam bãi thải, suy thoái môi trường nước biển, thay đổi hệ sinh thái biển ven bờ, biến dạng ngư trường,… ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế độc nhất của cư dân ven biển Thạch Hà vì nơi đây chủ yếu ngư dân nghèo, không có thuyền lớn để đánh bắt xa bờ, lại không có cảng cá và các dịch vụ cần thiết cho nghề đi biển…", ông Thuận phân tích.

Nghiêm trọng hơn, theo GS. TSKH Đặng Trung Thuận, khu vực mỏ sắt Thạch Khê phía Đông giáp Biển, phía Tây giới hạn bởi sông Hạ Vàng là sông nước lợ mặn. Đất đai chủ yếu là cồn cát và đất cát. Khi công ty Sắt Thạch Khê mở moong, liên tục đào sâu và bơm hút nước mỏ đồ ra sẽ khiến mực nước ngầm hạ thấp, nước biển xâm nhập vào và dần thay thế khối lượng nước ngọt vốn có trong đất cồn cát sẽ khiến đất ở đây bị nhiễm mặn, thảm thực vật sẽ lụi tàn dần, các cây nông nghiệp không thể phát triển. Hệ sinh thái "mỏng manh" vốn có trên cồn cát nhưng giữ vai trò rất quan trọng trong việc chống lại hiện tượng cát bay, cát chảy sẽ mất đi và cồn cát ven biển Thạch Hà sẽ trở thành một vùng sa mạc hóa thực sự, đó là điều rất đáng sợ.

Bên cạnh đó, về mặt xã hội, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê còn đẩy hàng nghìn hộ dân Hà Tĩnh vào một hoàn cảnh sống mới - gian truân hơn gấp nhiều lần.

Cũng tại hội thảo Góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 cho biết, Quyết định số 2820/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 07/10/2008 đã phê duyệt việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, theo đó, mỗi hộ nông dân sẽ được cấp 300m2 đất tại khu tái định cư để xây nhà. Tuy nhiên, họ không được giao đất nông nghiệp để canh tác thì lấy gì để sinh sống và chăn nuôi gia súc, gia cầm!.

"Di dời toàn bộ 3.952 hộ dân với 16.861 nhân khẩu của huyện Thạch Hà là chuyện không hề đơn giản, thực ra là rất khó giải quyết. Tái định cư là phải mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, giải quyết vấn đề việc làm cho họ. Nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất là phát triển xã hội bền vững, bà An nhấn mạnh.  

Do đó, bà An cho rằng, cần nghiên cứu, cân nhắc lại một cách nghiêm túc giữa lợi ích kinh tế và những tác động đến môi trường, xã hội... trước khi tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê.