Để những đề tài nghiên cứu không còn ‘đắp chiếu’

Hường Hoàng - 17:50, 11/06/2023

TheLEADERViệc nhiều đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ hoành tráng nhưng chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống, bị “đắp chiếu”, gây lãng phí của cải vật chất của ngân sách nhà nước là một hiện thực phổ biến, tồn tại dai dẳng ở nước ta trong nhiều năm qua.

Để những đề tài nghiên cứu không còn ‘đắp chiếu’
Tình trạng các đề tài nghiên cứu khoa học bị xếp vào ngăn kéo, không áp dụng được vào thực tiễn xảy ra rất phổ biến ở Việt Nam (Ảnh:

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt vào ngày 7/6 vừa qua đã thu hút 120 lượt đăng ký chất vấn từ các đại biểu quốc hội. Đây là số lượng đại biểu chất vấn kỷ lục, vượt qua số lượng 99 đại biểu đăng ký chất vấn với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trước đó.

Một trong số những vấn đề được quan tâm nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN vào ngày thứ 5 vừa rồi là câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau: Trong 5 năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Lại và vấn đề… độ trễ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã rất quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, vì vậy dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chính phủ đã có bố trí 0,64% GDP cho hoạt động sự nghiệp khoa học công nghệ.

Bị Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ ngắt lời và yêu cầu tập trung vào câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng cho biết, ngành KHCN có đặc thù là đi tìm cái mới, thường có rủi ro và có độ trễ, không phải là lúc nào đề tài nghiên cứu cũng có kết quả. Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc xác định xem bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng trong thực tiễn là một điều rất khó khăn.

Có thể thấy những kết quả nghiên cứu đó đã phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ của bản thân các nhà khoa học nói riêng, từ đó góp phần phục vụ cho các trường đại học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Cho đến thời điểm hiện tại, 9 trường đại học của Việt Nam đã xuất hiện trên bảng xếp hạng của thế giới, đó là một kết quả đáng khích lệ của ngành khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Để những đề tài nghiên cứu không còn ‘đắp chiếu’
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trên thực tế, các cơ chế chính sách của Việt Nam cũng còn nhiều vướng mắc, cần phải tháo gỡ. Trong đó, cụ thể như cái nghị định 70 về quản lý và sử dụng tài sản công, luật sở hữu trí tuệ… Xác định được những vấn đề này, trong thời gian tới, Bộ KHCN sẽ kiến nghị chính phủ và quốc hội để có những điều chỉnh thích hợp về chính sách để tạo điều kiện cho sự chuyển giao KHCN, sự nghiên cứu ra ngoài xã hội, đáp ứng những nhu cầu phát triển của đất nước.

Đây là câu trả lời tương tự của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trong đợt giải trình quốc hội một năm về trước. Có thể thấy đặc thù của ngành khoa học công nghệ là sự khó đoán định, tính rủi ro cao, tuy nhiên đây là đặc điểm chung của ngành KHCN toàn thế giới. Vì vậy, nhiều đại biểu quốc hội vẫn chưa thực sự hài lòng với lí do này trong việc đánh giá khả năng áp dụng các đề tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Nhìn nhận một cách thực tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa thực sự là động lực và nền tảng cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tình trạng nhiệm vụ khoa học công nghệ chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống; những đề tài, công trình khoa học hoành tráng nhưng bị “đắp chiếu” là một hiện tượng phổ biến ở nước ta trong nhiều năm qua.

Không ít đề tài ra đời theo diện khoán sản phẩm, mục đích để giải ngân kinh phí mà không có tính khả thi; có sự “trùng lặp ngẫu nhiên” về đề tài nghiên cứu ở nhiều địa phương; hoặc sản phẩm, bài báo khoa học là tiêu chí bắt buộc khi đề bạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ... đã gây ra sự lãng phí lớn.

Phải đúng từ khâu chọn, xét duyệt, thẩm định và thực hiện đề tài

Bình luận vấn đề này cùng Truyền hình Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13, cho biết: “Câu hỏi bao nhiêu đề tài được ứng dụng vào thực tiễn một cách bền vững của của đại biểu Lê Thanh Vân là một câu hỏi rất tổng quát”.

“Thực tế, một đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng bền vững thể hiện rằng người chọn đề tài đã đúng, hội đồng thẩm định đúng, hội đồng duyệt đúng và người chỉ đạo đúng, và cuối cùng mới ứng dụng được vào thực tiễn. Nếu không, đề tài đó sẽ được cho vào ngăn kéo. Việc chỉ đạo để chọn được các đề tài có ứng dụng bền vững là vô cùng ý nghĩa, nó sẽ làm chống lãng phí trong nghiên cứu khoa học và nó sẽ là động lực để phát triển kinh tế.”

Mặc dù đồng ý với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt rằng đề tài nghiên cứu khoa học có độ trễ và về lâu dài cần có thời gian để đánh giá, bà An cho rằng, về tổng quan, đề tài nào được ứng dụng thực tiễn lâu dài, thúc đẩy sự phát triển lâu dài của đất nước và của địa phương, ngành đấy thì sẽ là tiêu chí cao nhất cao trong việc đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học kể cả lý thuyết cũng như thực tiễn.

Để những đề tài nghiên cứu không còn ‘đắp chiếu’ 1
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 (Ảnh: quochoi.vn)

Trong khi đó, theo đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn, đoàn Hải Dương, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ, trong tình hình hiện nay, điểm nghẽn về khoa học công nghệ Việt Nam chắc chắn nằm ở cơ chế, chính sách pháp luật. Hệ thống chính sách pháp luật hiện nay phải được thay đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đại biểu cho rằng, Luật KHCN và luật liên quan đến luật KHCN theo chương trình luật pháp lệnh (sẽ hoàn thành trong năm 2024) sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn này. Về mức độ áp dụng thực tiễn những thành quả khoa học công nghệ, đại biểu Sơn cũng cho biết thêm rằng, Ủy ban Khoa học công nghệ, môi trường cũng đã tổ chức, giám sát hoạt động này, đồng thời bày tỏ hi vọng rằng trong năm 2023, và đặc biệt là sau kỳ chất vấn này sẽ có chuyển biến rõ nét, sau khi mà Quốc hội ban hành nghị quyết chất vấn về lĩnh vực KHCN.

Trong khi đó, theo bà An, mặc dù cơ chế chính sách là yếu tố cực kỳ quan trọng, tuy nhiên theo bà, điểm đầu tiên khiến cho những đề tài nghiên cứu có thể được đưa vào thực tiễn đó là đề tài đó phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, từ đòi hỏi của những người nông dân, công nhân, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước đã có nhu cầu thực tiễn. Chỉ khi các đề tài thực sự có tác dụng, mang lại lợi ích cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đề tài đó mới có đầu ra.

Trên cơ sở đó, đề tài đó mới được xem xét xem có phù hợp để lựa chọn hay không. Khi đó, những cơ chế xét duyệt, thẩm định đề tài, triển khai đề tài phù hợp mới có thể thúc đẩy được nền kinh tế… Chọn được những đề tài trúng, đúng, cũng như là những người cán bộ có đủ trình độ để chọn những đề tài có đủ tầm thì những đề tài nghiên cứu khoa học của Việt Nam mới nâng được vị thế trên trường thế giới.

Theo PGS. TS. An, mặc dù chính sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng và then chốt để làm sao chúng ta lựa chọn được đề tài đúng, duyệt được đề tài đúng và thực hiện đề tài đúng, đây là tổ hợp của các vấn đề chứ không chỉ đơn giản, đơn thuần là vấn đề về chính sách và cơ chế.

Để những đề tài nghiên cứu không còn ‘đắp chiếu’ 2
Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau, đưa ra câu hỏi về tỷ lệ ứng dụng thực tế của các công trình nghiên cứu khoa học (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, tiến sĩ An cho rằng, quá trình tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề. Để đưa những nghiên cứu khoa học vào thực tiễn thì hoạt động tổ chức thực hiện các đề tài cần phải có sự khoa học – khoa học quản lý. Đặc biệt, những quy định về tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cần phải có sự rõ ràng, cụ thể đặc thù ở từng nơi, từng địa phương, trong từng lĩnh vực thì mới có tính áp dụng thực tiễn cao.

“Ví dụ, áp dụng nghiên cứu sinh học trong nông nghiệp thì như thế nào? Sinh học trong y học, dược học thì như thế nào? Đề tài phải rất cụ thể chứ không thể chung chung. Tôi rất mong Bộ KHCN với chức năng là tham mưu cho Chính phủ, làm sao có thể tạo ra những cơ chế chính sách đúng và cách thức chỉ đạo đúng trong quá trình xét duyệt, thẩm định, thực hiện đề tài,”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.