Điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng trên thị trường thép

Nhật Hạ - 13:59, 11/05/2021

TheLEADERBộ Công thương được yêu cầu tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm, ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh khối lượng xuất khẩu.

Giá thép tăng với tới 45% kể từ đầu năm đến nay khiến doanh nghiệp sử dụng các loại vật liệu thép đang gặp khó. Tại cuộc họp về điều hành giá những tháng còn lại của năm 2021 mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công thương có biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước. 

Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Bộ Xây dựng cần chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Hiện nguồn cung thép xây dựng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước khoảng 14 triệu tấn, đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhờ một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 vừa qua.

Tuy nhiên, cung ứng nguyên liệu sản xuất thép lại đang bị gián đoạn do Covid-19 và các vấn đề liên quan tới logistics, nên doanh nghiệp không thể tăng sản xuất. Bộ Công thương mới đây đã dự báo, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới.

Còn đối với thép cuộn cán nóng, cơ quan này nhận định, chệnh lệch cung - cầu của mặt hàng này sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng.

Với công suất trong trước chỉ khoảng 5-6 triệu tấn, năm 2021, Việt Nam vẫn cần phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Năm 2020 đã nhập khẩu tới 10 triệu tấn. 

Lý giải về việc giá thép tăng mạnh, Bộ Công thương cho biết là do nguyên liệu đầu vào của ngành thép trong nước đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Trong khi đó, giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch Covid-19, thời gian giao hàng kéo dài.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% so với năm trước và nhu cầu thép trong nước tăng 2 – 3%. Sản phẩm thép các loại dự kiến cần khoảng 27 triệu tấn.

Điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng trên thị trường thép
Hiện nguồn cung thép xây dựng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước khoảng 14 triệu tấn.

Bên cạnh việc chặn đà tăng của giá thép, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Quỹ Bình ổn giá được sử dụng hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức tăng giá đột biến trong nước.

Đồng thời, bộ này cũng cần xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án điều hành.

Bộ Y tế cần sớm hoàn tất việc rà soát, phân loại dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật, tính toán, đề xuất về phương án triển khai bước 3 (kết cấu chi phí quản lý trong giá dịch vụ), để chủ động thực hiện điều chỉnh khi các điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Xây dựng trình Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bộ cần rà soát đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu xây dựng giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp; tham mưu Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (về quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án lớn…) để đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Bộ Tài nguyên và môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản; công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch; thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất.