Doanh nghiệp sản xuất lãi lớn trước viễn cảnh 'siêu chu kỳ hàng hóa'

Trần Anh - 16:01, 10/05/2021

TheLEADERSự khan hiếm nguyên liệu trên toàn cầu là đã thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa tăng cao. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và lượng hàng tồn kho một số nguyên liệu thô thấp càng "đổ thêm dầu vào lửa".

Doanh nghiệp sản xuất lãi lớn trước viễn cảnh 'siêu chu kỳ hàng hóa'
Giá thép tăng mạnh thời gian gần đây giúp các doanh nghiệp sản xuất thép lãi lớn.

Những ngày cuối tháng 4, Công ty thép Thái Nguyên đã thông báo đến khách hàng việc tăng giá bán thép cuộn và thép cây thêm 600.000 đồng/tấn, hiện thép cuộn Thái Nguyên có giá xấp xỉ 17 triệu đồng/tấn. Tương tự, thép từ các thương hiệu khác như Hòa Phát, Việt Đức hay Việt Ý cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, từ quý 4/2020 đến nay, thép xây dựng nhiều lần tăng giá. Hiện mức giá thép trên địa bàn Hà Nội dao động từ 14 - 16 triệu đồng/tấn tùy loại, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/tấn so với mức giá quý 4/2020.

Giá thép xây dựng tăng cao giúp hàng loạt các doanh nghiệp thép báo lãi lớn trong quý 1 vừa qua. Tập đoàn Hòa Phát – doanh nghiệp thép lớn nhất thị trường cho biết đạt doanh thu 31.000 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát suốt gần 30 năm qua.

Tương tự, hầu hết các doanh nghiệp thép khác trong ngành đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng bằng lần. Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần quý vừa rồi đạt 10.846 tỷ đồng, tăng gần 88% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng gấp 5 lần, lên 1.035 tỷ đồng.

Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1 tăng đột biến so với cùng kỳ. Xét riêng doanh thu, quý 1 đạt 9.445 tỷ đồng, tăng trưởng 29% còn lợi nhuận sau thuế đạt 394 tỷ đồng, gấp 13,5 lần cùng kỳ. Thậm chí, Thép Tiến Lên còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 120 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận các doanh nghiệp thép tăng mạnh được lý giải do giá nguyên liệu tăng mạnh. Khan hiếm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép (quặng sắt, than mỡ, thép cuộn cán nóng HRC...) từ Trung Quốc, Ấn Độ đã đẩy giá thép trong nước tăng vọt. Lượng bán hàng của các doanh nghiệp cũng tăng theo. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá loại vật liệu này vẫn chưa có dấu hiệu dừng, dự kiến còn tăng đến hết quý 3 năm nay.

Giá thép tăng mạnh khiến nhiều nhà phân tích dự đoán tới một “siêu chu kỳ hàng hóa” – giai đoạn mà đồng loạt tất cả các loại hàng hóa trên thế giới đều tăng mạnh do cầu vượt xa cung. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, không chỉ riêng sắt thép mà nhiều loại hàng hóa khác như cao su, dầu khí, đường, sữa… đều tăng mạnh.

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt 4.850 tỷ đồng tăng gần 80% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 1.216 tỷ đồng cao gấp 3,6 lần cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là gần 818 tỷ đồng.

Giá mủ cao su sau khi lên đỉnh trong tháng 1 hiện đã hạ xuống, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020. Giá mủ cao su tăng cao, ổn định đã giúp lợi nhuận của tập đoàn cao su Việt Nam cải thiện đáng kể.

Công ty Đầu tư Cao su Đắk Lắk cũng ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 124 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm 2021 đạt hơn 16 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm ngoái, công ty lỗ hơn 9 tỷ đồng.

Tổng Công ty Khoáng sản TKV thì hưởng lợi nhờ giá đồng tăng mạnh. Doanh thu thuần trong quý 1 của công ty đạt 1.480 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 151 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần. Chỉ cần 1 quý, TKV đã hoàn thành 73% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2021.

Sự khan hiếm nguyên liệu trên toàn cầu là đã thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa tăng cao. Các nhà phân tích cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và lượng hàng tồn kho một số nguyên liệu thô thấp càng "đổ thêm dầu vào lửa".

Dầu cũng tăng giá mạnh vượt mức trước đại dịch, lên 65 USD một thùng. Dù nhu cầu về dầu vẫn còn giảm do hạn chế di chuyển trên toàn cầu, giá đã tăng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. OPEC và các đồng minh đang tiếp tục hạn chế nguồn cung ra thị trường để kích thích giá.

Giá dầu phục hồi giúp công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý 1, sau cả năm 2020 khó khăn. Công ty đạt doanh thu 21.048 tỷ, đồng tăng 17% so với cùng kỳ. Công ty cũng lãi ròng 1.856 tỷ đồng, cải thiện hơn rất nhiều so với khoản lỗ cùng kỳ là 2.330 tỷ đồng.

Dù được hưởng lợi, song việc giá nguyên liệu đầu vào tăng quá nhanh cũng là rủi ro với các doanh nghiệp sản xuất trong dài hạn. Chẳng hạn với mặt hàng thép, sau khoảng 2 – 4 tháng sử dụng hết lượng nguyên liệu dự trữ và bán hết hàng tồn kho, các công ty thép sẽ phải đối mặt với áp lực tăng giá bán mạnh mẽ hơn. Điều này đặc biệt đúng với các công ty nhỏ, trữ lượng hàng tồn kho không lớn và thị phần thấp.

Bên cạnh đó, nếu thế giới thực sự bước vào siêu chu kỳ hàng hóa, áp lực lên lạm phát cũng sẽ tăng mạnh, kéo theo chi phí sản xuất cũng sẽ tăng cao, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp khó có thể duy trì biên lợi nhuận cao như trước.