Điều gì là cốt lõi bảo đảm cho trái phiếu bền vững?

Tuệ Minh - 10:53, 25/05/2022

TheLEADERLâu nay, các nhà đầu tư luôn có tâm lý xem tài sản đảm bảo như một thước đo an toàn của trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo số liệu của ADB, tính đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 37,4% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tương đương 14,8% GDP.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia so với các nước Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, quy mô thị trường TPDN của Việt Nam tuy tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển bởi nhu cầu về vốn trung và dài hạn rất lớn trong thời gian tới.

Tiềm năng là điều không thể phủ nhận nhưng trong vài năm gần đây, thị trường TPDN có phần nóng, đặc biệt là phát hành TPDN không có tài sản đảm bảo tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.

Thực tế, câu chuyện tài sản đảm bảo của TPDN lâu nay vẫn được giới đầu tư, phân tích đem ra “mổ xẻ” bởi nhiều nhà phát hành đưa ra những tài sản đảm bảo theo kiểu “có như không” như cổ phiếu, vốn góp, tài sản hình thành trong tương lai…Thậm chí, có một vị chuyên gia tài chính đã đưa ra quan điểm rất gay gắt cho rằng việc lấy cái tương lai để đảm bảo cho cái hiện tại là điều “không tưởng” vì nếu rủi ro xảy ra thì nhà đầu tư sẽ tìm đâu ra cái tương lai đó để xử lý.

Còn đối với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, theo lý thuyết nếu nhà phát hành không có khả năng trả nợ thì các nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu của doanh nghiệp đó để thu hồi vốn. Nhưng trên thực tế, khi nhà phát hành đã mất khả năng trả nợ thì khi đó tình hình tài chính của doanh nghiệp đang gặp rủi ro cao, nên giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu, thậm chí không còn giá trị.

Ngay cả khi tài sản đảm bảo là bất động sản thì việc chất lượng của những tài sản này cũng không mang lại sự an toàn cho nhà đầu tư. Câu chuyện tại Tân Hoàng Minh đã cho thấy trái phiếu dù có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, vốn góp cổ phần nhưng nhà đầu tư vẫn như “cá nằm trên thớt” khi chưa biết ngày nào có thể được hoàn trả lại tiền.

Bởi lẽ, các doanh nghiệp này đều chưa niêm yết nên khả năng thanh lý tài sản đảm bảo sẽ có mức độ khả thi thấp hơn và mất nhiều thời gian trong quá trình xử lý thu hồi tài sản đảm bảo.

Nói về vấn đề này, tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, yếu tố khiến thị trường TPDN minh bạch hơn không nằm hoàn toàn ở tài sản đảm bảo mà cần căn cứ vào mức tín nhiệm, sự phát triển, tiềm năng của nhà phát hành trái phiếu.

"Tại Mỹ, người ta nhìn vào sự thông minh của Elon Musk để mua trái phiếu của Tesla, chứ không phải dựa vào Tesla có bao nhiêu tài sản đảm bảo. Người ta mua vì nhìn thấy triển vọng về sự phát triển và tin vào sự thông minh của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp sẽ tạo nên sự tin cậy với thị trường, giống như không ai tin Microsoft sẽ phá sản", GS. Đặng Hùng Võ nói.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng, nguyên tắc cho vay và đầu tư trái phiếu, tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu. Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc xử lý tài sản đảm bảo không chỉ tốn kém về chi phí, thời gian mà còn không hề dễ dàng, nếu là bất động sản hoặc dự án công - tư, còn liên quan đến các quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay các luật khác. Kế hoạch thí điểm kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu cho thấy điều này.

Do vậy, theo TS. Cấn Văn Lực để đảm bảo an toàn cho thị trường trái phiếu cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.

Cụ thể, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2-3 công ty định hạng khác, ngoài 2 công ty đã có; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.

Nhìn từ kinh nghiệm của thị trường trái phiếu Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, Việt Nam nên nghiên cứu những điều khoản tại chương về xếp hạng tín nhiệm tại Đạo luật Doo-Frank để học hỏi những quy định phù hợp có thể áp dụng cho Việt Nam.

Đặc biệt cần quan tâm đến Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản, như: quy định việc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC. Các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: đầu tư và không đầu tư để các nhà đầu tư nhận đinh ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thành lập riêng một văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, để kiểm soát việc tuân thủ các qui định về xếp hạng tín nhiệm, việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm, và cuối cùng là kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.