Điều hành kinh tế 2024: Ưu tiên tăng trưởng

Nhật Hạ - 14:30, 08/12/2023

TheLEADERThay vì đặt mục tiêu hàng đầu ‘giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô’ như các năm trước, năm 2024, Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước.

Trong kỳ họp thứ 6 vừa kết thúc, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6 - 6,5%, tương tự như năm 2023.

Tuy nhiên, khác với các năm trước, thay vì đặt mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vào năm 2024, Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sau đó mới tới nội dung ‘ổn định kinh tế vĩ mô.

Sự thay đổi này cho thấy quyết tâm của Chính phủ về việc thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch Covid-19, cũng như các tác động của kinh tế thế giới năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 12.

Thực tế cho thấy, mặc dù kinh tế Việt Nam khởi sắc trong những tháng cuối năm nay, song rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, dự kiến chỉ tăng hơn 5%. Điều này dẫn đến áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 ở mức 6,5-7% là rất lớn. 

Với tăng trưởng năm 2021 chỉ đạt 2,56% và năm 2022 ở mức 8,02%, tính trung bình 3 năm đầu giai đoạn này dự kiến ở mức trên 5,19%. Để đạt mục tiêu đề ra, GDP hai năm tới trung bình phải tăng gần 8,5%/năm.

Sự khác biệt trong chính sách điều hành kinh tế năm 2024
Các động lực tăng trưởng chính đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Ảnh: Hoàng Anh

Ngay từ đầu năm nay, các động lực tăng trưởng chính đã chậm lại, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng giảm 5,9%, nhập khẩu giảm 10,7%. Nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau đại dịch Covid-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.

Trước diễn biến này, trong dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ sẽ ban hành vào đầu năm 2024, chủ đề điều hành mà Bộ Kế hoạch và đầu tư đang đề xuất có phương châm: phát triển bứt phá, tận dụng được các cơ hội.

Thứ trưởng Phương cho biết, cuối năm 2023, Việt Nam có được rất nhiều cơ hội, đặc biệt thông qua hoạt động đối ngoại, đem lại ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Dù không đạt những mục tiêu như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực còn nhiều bất ổn và khó khăn như hiện nay, các kết quả cuối năm 2023 là rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định.

Bên cạnh đó, qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế, cơ quan này cho rằng, cả 3 mặt về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm sau.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước, dần dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Xuất siêu 11 tháng qua gần 26 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần năm ngoái và là mức cao nhất 10 năm trở lại đây.

Về tiêu dùng, hiện nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trên 9%, tiệm cận mức 2 con số, tạo đà tốt cho năm 2024.

Trong lĩnh vực đầu tư, cả 3 mặt gồm đầu tư nhà nước, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, cơ hội đầu tư trong năm 2024 là khá tốt, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Phương, đầu tư tư nhân năm 2023 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, tác động của các bất cập thị trường trong nước như thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, nhưng qua đánh giá sơ bộ cho thấy, năm 2024, khả năng phục hồi và hoạt động trở lại của các thị trường này khá tốt. Như vậy, đầu tư trong nước gắn với xuất khẩu có thể khởi sắc hơn.

Với mục tiêu hàng đầu năm 2024 là tăng trưởng kinh tế, một trong những định hướng chính sách đầu tiên đã được Thủ tướng nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ ngày 6/12 là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Trong đó, ông cho biết cần thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện…; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.