Doanh nghiệp dệt may bất ổn trước rủi ro suy thoái toàn cầu

Trần Anh - 14:32, 01/12/2022

TheLEADERDự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm.

Theo số liệu của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường xuất khẩu lớn bao gồm Mỹ, khối CPTPP, EU và Hàn Quốc…

Riêng trong quý III, xuất khẩu dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021.Tuy nhiên, mức tăng trưởng khả quan đến từ mức nền thấp cùng kỳ khi hoạt động xuất khẩu của quý III/20221 bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa phòng dịch bệnh.

Thực tế, xuất khẩu xơ sợi trong quý III tiếp tục ghi nhận đà giảm mạnh với kim ngạch 1 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may đi xuống, tồn kho cao. 

Thống kê sơ bộ từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 10 tháng năm 2022 cũng cho thấy, ảnh hưởng nặng nề do thiếu đơn hàng, dệt may, da giày, chế biến gỗ đứng đầu về cắt giảm lao động

Cụ thể, trong 430.000 lao động bị ảnh hưởng giờ làm việc, riêng 3 lĩnh vực dệt may, da giày và chế biến gỗ đã chiếm tới gần 78% lượng lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, ngành nghề dệt may có 131.340 lao động (chiếm 27,81%), xếp thứ 2 sau da giày (36,30%)

Số doanh nghiệp cắt giảm lao động lên tới 1.235 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp dệt may (chiếm 18,28%).

Dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023.

Vitas nhận định, sức mua toàn cầu đang giảm mạnh, ngành dệt may cũng giảm nhưng so với da giày, gỗ thì còn ít hơn. Những doanh nghiệp nào làm gia công thì sẽ chịu tác động lớn hơn, còn doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động nguyên phụ liệu chịu tác động ít hơn.

Trước áp lực đơn hàng giảm sút, Vitas sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp trong năm nay, tiếp tục kiến nghị bộ Tài chính, Tổng cục hải quan cân nhắc bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu tại chỗ. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Bàn về triển vọng ngành dệt may năm 2023, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng trong quý IV/2022 và năm 2023, các doanh nghiệp dệt may tiếp tục gặp nhiều thách thức trong việc ký kết đơn hàng khi các khách hàng tiếp tục xử lý hàng tồn kho cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Với mảng may truyền thống, thị trường Mỹ với mức hàng tồn kho đang cao và rủi ro suy thoái tiếp tục giảm giá trị đơn hàng ký mới trong năm 2023. Còn thị trường EU với nền kinh tế dự kiến gặp nhiều khó khăn hơn thị trường Mỹ cũng sẽ gặp áp lực cắt giảm đơn hàng mới cho năm sau.

Tương tự với mảng sợi, BSC cho rằng năm 2023, giá sợi tiếp tục giao dịch quanh mức nền thấp khi nhu cầu may truyền thống suy giảm do hàng tồn kho cao và nhu cầu mua sắm giảm sút khi kinh tế thế giới suy thoái.