Dự án bất động sản thành bại không tại cái tên!

Phạm Sông Thu - 13:33, 07/11/2023

TheLEADERChuyện đặt tên bằng tiếng nước ngoài để xây dựng thương hiệu cho dự án bất động sản không phải đến bây giờ mới được nhắc đến, nhưng trong suốt thời gian dài đến nay, vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện và đầy đủ dưới góc nhìn xây dựng thương hiệu.

Dự án bất động sản thành bại không tại cái tên!
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng chọn tên tiếng Việt mặc dù chủ đầu tư là doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Ảnh: Hoàng Anh

Ma trận tên gọi dự án bất động sản

Các dự án bất động sản gắn với việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài xuất hiện ngày càng trở nên phổ biến. 

Tại sao doanh nghiệp lại chọn tiếng nước ngoài để đặt tên cho dự án mà không phải là tiếng Việt? Phải chăng sự chọn lựa tiếng nước ngoài để rút ngắn thời gian làm thương hiệu hay sính ngoại nhằm đánh bóng đẳng cấp thương hiệu? 

Thực tế, trong nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản trên thị trường hiện nay, mới chỉ có một số ít quan tâm đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp nói chung và cho từng dự án nói riêng một cách chuyên nghiệp, thể hiện được tầm nhìn và hướng phát triển một cách bền vững. 

Khi bắt tay triển khai một dự án, các doanh nghiệp phát triển bất động sản thường tìm đến tiếng nước ngoài, mà phổ biến là tiếng Anh thông dụng để đặt cho dự án của mình, mỗi tên dự án đều gắn với thông điệp mà chủ đầu tư muốn gửi đến khách hàng. 

Chọn tên cho dự án là một trong những công cụ tiếp thị quan trọng đối với nhà phát triển dự án. Nếu dự án đặt tên không hay, không hấp dẫn có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc bán hàng. 

Thông thường việc đặt tên cho dự án bất động sản luôn gắn liền với các yếu tố như vị trí, dòng sản phẩm, cảnh quan, phong cách thiết kế... 

Theo đó, nhiều cụm từ tiếng nước ngoài phổ biến thể hiện “vị trí vàng” như Golden River, Golden Bay, Dimond Bay, Doji Tower... Các cụm từ nói về cảnh quan như Garden Riverside Village, Ocean View (cảnh ven biển), Riverside Palace (bên sông), Palm Garden (vườn, cây xanh), Sky Tower (thể hiện không gian,... 

Các cụm từ mang dáng dấp về phong cách sang trọng, cổ kính như D’.Palais De Louis (thể hiện phong cách cổ kính của cung điện Versailles - Pháp), Léman Luxury Apartment (theo phong cách Thuỵ Sỹ), The Manor (có ý nghĩa là một khu đất đẹp và thịnh vượng). 

Trong chiến lược tiếp thị, truyền thông hay hồ sơ bán hàng, một trong những yếu tố đầu tiên để nhận diện dự án là tên gọi thương mại. 

Chính vì vậy, một trong những cách đặt tên dự án thường được nhiều chủ đầu tư thực hiện là gắn vào các từ như Sky Central, Sky Lake, Star Lake; Eco City, Eco Park, Eco Green, Diamond Park, Green, Luxury, Bay, Eco, Parc, Garden, Golden... như một cách Tây hóa dự án khiến cho khách hàng như lạc vào xứ sở nào! 

Cách đặt tên này mang lại một sự mới lạ cho các dự án, với những cảm nhận về một sự sang chảnh, cao cấp, hiện đại... từ phía khách hàng. Cách đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài cũng chỉ là một thủ thuật câu khách, quảng bá sản phẩm của chủ đầu tư. 

Tuy nhiên, sự lạm dụng quá đà như hiện nay dễ dẫn đến hệ quả, khách hàng rơi vào ma trận các dự án na ná tên gọi, lẫn lộn trong sự nhận diện dự án của nhiều chủ đầu tư khác nhau, thậm chí đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp sở hữu phải đưa nhau ra toà. 

Thị trường bất động sản đã xuất hiện tràn lan danh xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang, biệt thự siêu sang gắn với các cụm từ nước ngoài như Luxury, Premier, Royal, Palace... dẫn đến rất nhiều người lầm tưởng thương hiệu cùng của một đơn vị phát triển hoặc chủ đầu tư, nhưng thực tế lại là các chủ đầu tư khác nhau. 

Nhiều trường hợp được đặt theo tên của một địa điểm, vùng đất nổi tiếng trên thế giới, hoặc dùng từ những từ tiếng Anh phổ biến nhằm rút ngắn thời gian nhận dạng thương hiệu hoặc ăn theo những địa danh đã nổi tiếng thế giới. 

Cách chọn và đặt tên cho một dự án để xây dựng thương hiệu hiện nay không theo một mô thức nào cả. Không cố định do ai đặt, có khi là ý tưởng nảy ra trong đầu của lãnh đạo doanh nghiệp, có khi là do bộ phận tiếp thị đặt, có khi do bộ phận truyền thông và chỉ từ một nhân viên kinh doanh hay nhân viên thiết kế.

Một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư hơn có thể chọn từ các cuộc thi nội bộ hoặc các đối tác tư vấn ý tưởng nhưng tựu chung vẫn chuyển tải mục tiêu của chủ đầu tư. 

Việc đặt tên “ngoại” cho dự án bất động sản dường như đã trở nên phổ biến, và là một trong những khâu quan trọng nhất cho chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh phát triển bất động sản. 

Thậm chí, đã có những trường hợp vì dự án mang tên tiếng Việt nên đơn vị bán hàng đã đổi tên dự án để phục vụ cho chiến lược quảng bá, tiếp thị và phân phối sản phẩm ra thị trường. Cũng giống như việc đặt tên cho doanh nghiệp của mình, các ông chủ dự án bất động sản rất chú trọng đến tên dự án mà công ty định hướng phát triển. 

Một yếu tố rất quan trọng mang tính sống còn được chủ đầu tư quan tâm khi xây dựng thương hiệu cho dự án là làm sao hỗ trợ tốt nhất cho việc truyền thông, tiếp thị và bán hàng. 

Làm thế nào để dự án bất động sản đặt tên thuần Việt?

Một điều luôn khiến cho những người làm tiếp thị và truyền thông “đau đầu” trong việc đặt tên dự án bằng tiếng Việt cho dự án là khó để tìm được một từ tiếng hay một từ, cụm từ thuần Việt nào đó ngắn gọn, ấn tượng, súc tích, mang đầy đủ ý nghĩa, mục đích mà dự án hướng đến. Khi triển khai tiếng Việt sẽ khó khăn trong việc diễn đạt đặc điểm, tính chất, vị trí địa lý của dự án... 

Có phải đây là lý do khiến cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản chọn tiếng nước ngoài để đặt tên cho các dự án như hiện nay. Hay chỉ là cái cớ để lười sáng tạo trong việc dựng thông điệp cho một dự án mang cái tên thuần Việt! 

Việc dùng tên nước ngoài đặt cho các dự án bất động sản quá phổ biến như ở nước ta hiện nay không chỉ gây rắc rối trong các thủ tục điền mẫu giấy tờ hành chính, khó phát âm, khó nhớ cho người dân và có phần lai căng văn hóa. 

Vậy làm thế nào để ngày càng nhiều dự án bất động sản được xây dựng bằng những cái tên thuần Việt? 

Các doanh nghiệp bất động sản hiện nay giao phó việc xây dựng thương hiệu dự án do phòng kinh doanh, phòng tiếp thị, phòng truyền thông đảm nhận. Tuy nhiên, mỗi bộ phận có một mục tiêu khác nhau nên luôn chọn giải pháp an toàn là lên mạng tìm một cái tên nước ngoài đặt cho dự án, thay vì phải động não sáng tạo tìm ra một cái tên thuần Việt dễ gặp những rủi ro trong chiến lược marketing và hiệu quả kinh doanh. 

Hiện nay, các doanh nghiệp chuyên nghiệp đi theo xu hướng thuê các công ty chuyên tư vấn phát triển thương hiệu tham gia ngay từ đầu, cụ thể là bắt đầu ở giai đoạn thiết kế dự án. Muốn thành công, bộ phận làm thương hiệu dự án phải tham gia ngay từ đầu, trước cả khâu thiết kế để đưa ra yêu cầu cho thiết kế và xây dựng định vị dự án, chiến lược giá bán... 

Nếu đợi công trình xây lên rồi mới truyền thông là sai lầm, bộ phận thương hiệu làm truyền thông rất khó khăn, còn nhân viên kinh doanh có thể bán hàng không được. Nếu một dự án ra sau, có một nhãn hiệu trùng hay tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu của một dự án trước đó, thì điều này sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư. 

Không chỉ hao tiền tốn của khi rủi ro pháp lý xảy ra, việc vướng vào kiện cáo của các chủ đầu tư đã sở hữu thương hiệu sẽ không tốt cho các dự án sau này. Nếu chẳng may đó là các chủ đầu tư lớn, thì họ có thể phải bỏ thêm nhiều tiền để đàm phán với chủ cũ để mua lại nhãn hiệu mà họ mong muốn dùng. 

Một việc quan trọng nữa trong việc xây dựng thương hiệu dự án mới là phải tạo được lý do tin tưởng dự án nơi khách hàng. Có thể thực hiện điều này dựa trên uy tín của các đối tác, đơn vị tham gia thực hiện dự án như nhà thầu thi công, đơn vị thiết kế, công ty phân phối hay quản lý đã có danh tiếng trên thị trường. 

Các công ty đa quốc gia thường lấy tên đặt cho các dự án nhất là các dự án bất động sản du lịch, căn hộ dịch vụ... để thu hút các khách hàng nước ngoài là việc rất bình thường bởi họ có các thương hiệu toàn cầu của họ, khi đi làm dự án ở nước nào họ cũng lấy tên đó. 

Tuy nhiên, có một số tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam họ vẫn chọn tên tiếng Việt để đặt cho dự án rất thành công. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một trong số đó. Thành bại không chỉ ở cái tên mà nên tập trung vào chất lượng, đúng tiến độ, giá đầu ra đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng hay không. 

Tôi tin rằng, đến lúc nào đó trình độ đội ngũ tiếp thị, sáng tạo nội dung của người Việt được nâng lên, lòng tự tôn dân tộc cao sẽ tự ý thức dùng tên tiếng Việt để đặt tên dự án bất động sản trong việc xây dựng những thương hiệu mang bản sắc Việt.