Dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh: Khó khăn bủa vây

Thái Bình - 12:40, 24/08/2020

TheLEADERĐền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, khả năng đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất của hệ thống lưới điện… vẫn là những khó khăn, vướng mắc chính trong quá trình thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh: Khó khăn bủa vây
Tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW.

Đa số dự án nguồn điện đều chậm

Theo Quy hoạch điện VII (QHĐ VII) điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW. Trong đó, các nguồn điện do EVN đầu tư là 7.185 MW (chiếm 33,2%), còn lại là do các doanh nghiệp khác đầu tư.

Với 3 hình thức (dự án do tập đoàn nhà nước như EVN, PVN, TKV là chủ đầu tư; BOT và IPP), tổng hợp tình hình thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì có tới 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với QHĐ VII điều chỉnh.

Điển hình là các dự án do EVN thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2030, EVN được giao đầu tư 24 dự án (gồm cả dự án thủy điện tích năng Bắc Ái) với tổng công suất 15.215 MW, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 cần hoàn thành 14 dự án. Tuy nhiên, trong tổng số 24 dự án, ghi nhận 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư (dự kiến 6 dự án đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ).

Tương tự đối với PVN, tập đoàn này được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021 - 2025 có 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong QHĐ VII điều chỉnh.

Trạng thái chậm cũng diễn ra với 4 dự án do TKV thực hiện. Cụ thể, TKV thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW – trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021 - 2030 có 2 dự án. Hiện nay, cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên – Bộ Công thương cho biết. Cá biệt, có dự án rất khó khăn trong quá trình huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước do không có bảo lãnh chính phủ (Dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II).

Ở hạng mục các dự án đầu tư theo hình thức IPP, hiện có 7 dự án (công suất trên 100 MW) nhưng theo đánh giá đều chậm tiến độ. Trong đó, một số trường hợp khó xác định được thời gian hoàn thành (dự án thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô); Dự án Nhiệt điện Công Thanh vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giải phóng mặt bằng; Dự án thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thể tích nước do chưa hoàn tất việc thi công Dự án nâng cấp QL 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa từ ngã ba Tòng Dậu đến Ngọc Lặc (đoạn tránh ngập hồ Thủy điện Hồi Xuân).

Vướng ở đâu?

Những khó khăn, vướng mắc chính của tình trạng nêu trên cơ bản như sau.

Thứ nhất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và xu hướng phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Đáng chú ý, theo Bộ Công thương, hiện nay xuất hiện khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Một số công trình lưới điện quan trọng chưa thể đưa vào vận hành hoặc chưa thể khởi công năm 2019 do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là tại các thành phố lớn; vướng mắc liên quan chuyển đổi đất rừng, thủ tục đầu tư qua nhiều bước. 

Trong đó, một số công trình vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài (như Đường dây 220 kV đấu nối qua các trạm 500 kV Phố Nối, Việt Trì, Lưu Xá), vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng (như các dự án: TBA 220kV Nghĩa Lộ và Đường dây 220kV Nghĩa Lộ - 500kV Việt Trì, Đường dây 220kV Huội Quảng – Nghĩa Lộ, Nha Trang – Tháp Chàm…)

Đặc biệt, một số công trình trọng điểm đồng bộ nguồn điện BOT bị chậm tiến độ (Đường dây 500 kV đấu nối các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Vân Phong 1, Hải Dương).

Nguyên nhân thứ hai là thủ tục đầu tư. Ngày 14/8/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư, có hiệu lực từ 1/10/2019 (thay thế Nghị định 32/2015/NĐ-CP) nhưng đến nay chưa có các thông tư và các văn bản hướng dẫn chi tiết – dẫn đến những khó khăn trong chuẩn bị, triển khai các dự án.

Đồng thời, quá trình đàm phán bộ hợp đồng BOT và cấp giấy phép đầu tư vẫn bị kéo dài do liên quan đến nhiều bộ/ ngành. Các vướng mắc chủ yếu đến từ các vấn đề chính sách ưu đãi, chuyển đổi ngoại tệ, chấm dứt sớm hợp đồng… Thời gian xem xét, cho ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan thường kéo dài.

Ngoài ra, có nguyên do đến từ việc thu gom, đấu nối lên lưới điện truyền tải các dự án điện gió, điện mặt trời đã gây áp lực lớn lên hạ tầng lưới điện 110 kV-500 kV. Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp trong những năm qua, nhưng hệ thống lưới điện vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu truyền tải công suất từ các dự án mới được bổ sung quy hoạch.

Thậm chí, việc Bộ Giao thông vận tải không chấp thuận các đường dây dẫn điện cao thế được gắn vào cầu đường bộ (theo quy định tại điều 12 Thông tư 20/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP) đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng một số đường dây truyền tải và phân phối.

Trong nhóm các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cấp điện nhằm thay thế các nguồn điện chậm tiến độ, năm 2019, Bộ Công thương đã từng tính tới việc tăng cường mua điện từ Lào và Trung Quốc. Năm nay, giải pháp tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực tiếp tục được bộ này nhắc lại.