Dư địa hẹp cho giảm lãi suất

Kiều Mai - 19:10, 16/08/2023

TheLEADERChuyên gia từ Ngân hàng Thế giới cảnh báo, nếu tiếp tục giảm lãi suất, Việt Nam cần cân nhắc khả năng suy giảm vốn đầu tư, một phần vốn sẽ rời đi và tỷ giá bị ảnh hưởng.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới, mới đây đánh giá, dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam còn rất ít, khi Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành, cũng như đã áp dụng các biện pháp cho phép tái cơ cấu nợ.

Cùng với đó, Việt Nam đã hỗ trợ lãi suất cho một số nhóm đối tượng nhất định, ví dụ như nhóm mua nhà ở xã hội.

Kết quả là, lãi suất tại Việt Nam đã giảm đáng kể trong thời gian qua, làm giãn rộng thêm khoảng cách lãi suất giữa VND và các đồng tiền của các nền kinh tế lớn khác, ví dụ như USD.

Do đó, nếu Việt Nam tiếp tục sử dụng các biện pháp tiền tệ trong thời gian tới, thì sẽ không mang lại hiệu quả, do hiệu ứng dẫn truyền tới nền kinh tế và lực cầu tín dụng ở trong nước rất yếu, bà Dorsati Madani nhận định tại cuộc họp báo mới đây của Ngân hàng Thế giới.

Đánh giá này được đưa ra vào thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm lãi suất, mức tối thiểu là 1,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, nếu tiếp tục giảm lãi suất, Chính phủ cần cân nhắc khả năng một phần vốn đầu tư sẽ rời khỏi Việt Nam, cũng như tỷ giá bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, mặc dù các biện pháp như cắt giảm lãi suất, nới lỏng hạn chế về thanh khoản, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và nhóm nợ giúp xử lý những khó khăn trên thị trường tín dụng trong ngắn hạn, nhưng cũng có thể làm tăng nợ xấu và tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi, làm dấy lên quan ngại về bất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.

Do vậy, trong trung hạn, cải cách cơ cấu có vai trò hết sức quan trọng để xử lý những rủi ro tài chính phát sinh, và định vị để khu vực này phát triển bền vững.

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam còn rất ít dư địa giảm lãi suất
Tăng trưởng tín dụng (% (bên trái) và Nợ xấu và dự phòng tại các tổ chức tín dụng (%) (bên phải).

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ chỉ còn ít dư địa, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò chủ đạo trong thúc đẩy tăng trưởng, và cần phải được thúc đẩy tối đa thông qua các chương trình, như an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo bà Dorsati Madani, điều cần làm là xác định chính xác những đối tượng bị ảnh hưởng, bị thất nghiệp, hỗ trợ họ duy trì tiêu dùng hộ gia đình, từ đó giúp nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng.

“Đây là những công cụ mà chính phủ có thể sử dụng, nhưng hiện vẫn chưa hiệu quả trong cuộc khủng hoảng mới này. Cùng với đó, chi tiêu chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội hiện vẫn chưa có thay đổi nhiều”, bà đánh giá.

Ngân sách đầu tư công theo kế hoạch, nếu được triển khai đầy đủ, sẽ nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022.

Công tác triển khai đang được đẩy nhanh, khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tới hơn 40% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù vậy, tiến độ triển khai đầu tư công lâu nay vẫn chậm, ví dụ chỉ đạt hơn 67% so với dự toán 2022.

Do đó, các bước đi nhằm đẩy nhanh và cải thiện hiệu suất triển khai sẽ giúp giải quyết những hạn chế phát sinh về hạ tầng để phục vụ tăng trưởng, bao gồm nhu cầu đầu tư cấp thiết cho mạng lưới truyền tải điện, cũng như nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, theo Ngân hàng Thế giới trong báo cáo mới nhất về Việt Nam.

Những bước đi đó bao gồm, xác định chỉ tiêu giải ngân đầu tư và đảm bảo hiệu lực thực thi, trách nhiệm giải trình ở các cấp chính quyền khác nhau để hoàn thành chỉ tiêu; tập trung cao độ để giải ngân các chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia như đường cao tốc, truyền tải điện và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị cho phép linh hoạt phần nào để thực hiện một số hoạt động đấu thầu sớm trước khi phân bổ ngân sách.

Bên cạnh đầu tư công, các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế suy yếu, thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đảm bảo an sinh xã hội, cũng là cách để hỗ trợ cho tổng cầu.

Để làm được điều đó, các cấp có thẩm quyền cần cải tổ cách tiếp cận lựa chọn và xác định đối tượng, cũng như cơ chế cung cấp hỗ trợ trong hệ thống an sinh xã hội, sao cho hệ thống này trở thành công cụ linh hoạt, để hỗ trợ cho những người dễ tổn thương khi gặp cú sốc kinh tế.