Bước chuyển quan trọng của chính sách tiền tệ

An Chi - 10:28, 05/07/2023

TheLEADERChính sách tiền tệ chuyển từ "chắc chắn" sang linh hoạt, nới lỏng, mở rộng hơn, nhằm ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bước chuyển quan trọng của chính sách tiền tệ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP

Đây là nội dung đáng chú ý được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo mạnh mẽ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 4/7/2023.

Theo đó, về định hướng chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn. Chính sách tiền tệ cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát.

Đây là bước chuyển biến quan trọng trong chính sách tiền tệ. Trước đó, chính sách này đã được chuyển từ "chặt chẽ" trước tháng 10/2022 sang "chắc chắn" từ tháng 10/2022 và bây giờ là "linh hoạt và nới lỏng".

Trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, chính sách tiền tệ cần linh hoạt hơn, mở rộng hơn. Điều này được thể hiện chủ yếu thông qua việc tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. 

Thực chất, chủ trương này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình, xuyên suốt từ tháng 10/2022 đến nay. 

Trước đó, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước rất khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Về chính sách tiền tệ, từ đầu năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức từ 0,5-1,5%; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng dư nợ tín dụng, khả năng tiếp cận tín dụng; cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội…

Ngay từ tháng 10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng thêm 1,5-2% tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lãi suất thực còn rất cao, chênh lệch lãi suất tiền gửi - cho vay còn khá cao (2-3%); cung tiền tệ (M2) tăng thấp (2,53%); tín dụng tăng thấp trong khi nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Chính vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, việc chính sách tiền tệ tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Trước đó, Ngân hàng nhà nước đã làm, nhưng cần làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Ngân hàng nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiếp giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá; tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; đồng thời theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.

Các định hướng mới về chính sách tiền tệ sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, mục tiêu tăng trưởng phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%) và bảo đảm đời sống nhân dân.

Với dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này. Đây cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp đang rất khó khăn

Nhìn nhận về thực trạng của nền kinh tế hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức rất lớn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý II thấp hơn so với kịch bản đề ra. Tình hình thị trường quốc tế còn rất khó khăn. Dư nợ tín dụng tăng thấp. Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Ngành công nghiệp phục hồi chậm. 

Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; có 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 tăng lên 46,2 điểm từ mức 45,3 điểm vào tháng 5, nhưng vẫn là tháng thứ 4 liên tiếp dưới 50 điểm.

Bên cạnh đó, những bất cập, vướng mắc của các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, bất động sản mới chỉ được xử lý bước đầu. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực, địa bàn còn nặng nề, chưa thông thoáng, đặc biệt còn có tình trạng vướng mắc pháp lý của nhiều dự án đầu tư nhưng chậm được các cấp, các ngành chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền.

Khó khăn chung của nền kinh tế đã dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình hình lao động, việc làm chịu ảnh hưởng nặng nề. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo.

Về bối cảnh tình hình thời gian tới, Chính phủ và các địa phương thống nhất nhận định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Bối cảnh đó đòi hỏi phải tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời; đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ. Yêu cầu đặt ra là phải linh hoạt có giải pháp đúng và tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa và kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bên cạnh đó, cùng với sự tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao. 

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường trong nước, quốc tế.