ESG giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro

Phạm Sơn - 08:53, 16/03/2024

TheLEADERThực hành tiêu chuẩn phát triển bền vững trên ba trụ cột môi trường – xã hội – quản trị (ESG) giúp doanh nghiệp dự phòng rủi ro và đảm bảo phát triển trong dài hạn.

ESG giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro
Thực hành phát triển bền vững giúp doanh nghiệp giải quyết các rủi ro đến từ chuỗi cung ứng, thị trường, lao động. Ảnh: Hoàng Anh

Từ góc nhìn nhà đầu tư, ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận tài chính khí hậu của Quỹ Responsability Investments AG đến từ Thụy Điển, cho biết, hiện nay ESG là điều kiện cần thiết khi xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp, bởi không chỉ hướng đến sự phát triển bền vững mà đây còn là một cấu phần của quản trị rủi ro trong doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, tại Toạ đàm Xây lợi thế - vững tương lai cùng sáng kiến ESG Việt Nam, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, giải thích thêm, hiện tại, nhiều áp lực đặt ra cho doanh nghiệp Việt, bao gồm hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật ở các thị trường lớn, giá cả tăng cao làm giảm tính cạnh tranh cũng như sức ép từ yêu cầu của doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, thực hành ESG tạo ra nhiều lợi thế quan trọng. Bà Thủy nhìn nhận, doanh nghiệp có thể giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu và tăng khả năng tiếp cận vốn nhờ thực hành bền vững, áp dụng các chiến lược giảm thiểu phát thải carbon.

Tất nhiên, ESG không chỉ bao hàm khía cạnh môi trường mà phải tính đến cả bài toán về xã hội và quản trị. Thực hành tốt các phương diện này là chìa khóa để doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, nơi người lao động được nâng cao năng suất, năng lực để thích ứng trước những biến chuyển nhanh chóng của thị trường.

Một lợi thế khác của thực hành ESG là giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, quy định tại thị trường quốc tế, trong bối cảnh ngày càng nhiều chính sách, quy định liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị đang và sẽ được ban hành trong tương lai tới.

Thực tế, không chỉ đáp ứng pháp luật của thị trường nước ngoài mà thực hành phát triển bền vững còn là nền tảng giúp doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật Việt Nam. Trong 130 chỉ số của bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) phiên bản 2023 của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 82 chỉ số cơ bản, tức là các chỉ số về tuân thủ pháp luật.

Nói cách khác, có thể hiểu nôm na là việc thực thi tốt quy định pháp luật hiện hành là đã đáp ứng được khoảng 2/3 quá trình thực hành bền vững theo tiêu chuẩn ESG ở doanh nghiệp.

Trước đó, trao đổi với TheLEADER, ông Phạm Hoàng Hải, chuyên gia của VCCI, đồng tác giả bộ chỉ số CSI, cũng khẳng định vai trò của thực hành phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG đối với quản trị rủi ro ở doanh nghiệp.

Ông Hải lý giải, thực hành bền vững giúp doanh nghiệp kiện toàn chính sách lao động, quy trình quản trị, nâng cao trách nhiệm của toàn bộ máy, đồng thời tiết kiệm tài nguyên, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường, xã hội.

Tổng hòa những yếu tố đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trước những rủi ro khó lường, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế chứa đựng nhiều yếu tố bất định.

Lấy ví dụ như đối với rủi ro từ đại dịch Covid-19. Trên thực tế, không cá nhân, đơn vị, tổ chức hay một bộ chỉ số, tiêu chí nào có thể dự báo sự xuất hiện của một đại dịch khủng khiếp như vậy.

Tuy nhiên, các vấn đề như đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất gây áp lực tài chính, gián đoạn về lao động trong quá trình phục hồi… đều có thể được giải quyết thông qua thực hành phát triển bền vững.