Giảm thuế thu nhập cá nhân: Nên hay không?

Thùy Linh - 09:39, 24/12/2021

TheLEADERChính sách giảm thuế thu nhập cá nhân đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Giảm thuế thu nhập cá nhân: Nên hay không?
Có ý kiến cho rằng, cần giảm ít nhất 50% tiền thuế TNCN năm nay và năm sau cho người làm công ăn lương để đỡ gánh nặng thuế

Đã gần 2 năm kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, đời sống, việc làm của hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Trong bối cảnh nhiều người lao động bị mất việc, gánh nặng chi phí đổ dồn vào một người trong gia đình, nhiều chuyên gia đã đề xuất nên giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo tỷ lệ tương ứng với từng mức thu nhập.

"Cần giảm ít nhất 50% tiền thuế TNCN năm nay và năm sau cho người làm công ăn lương để đỡ gánh nặng thuế. Bởi thu nhập của người lao động bị sụt giảm, thậm chí mất việc làm do đại dịch mà tổng số thu từ sắc thuế này trong 11 tháng đầu năm vẫn đạt 107,7% so dự toán. Điều này cho thấy gánh nặng của chính sách thuế đối với thu nhập của người làm công ăn lương", TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia kinh tế nhận xét.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh sẽ là cần thiết và hợp lý hơn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đối với các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Vì vậy, không cần chính sách miễn, giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trong bối cảnh hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Trường cho rằng, so với mặt bằng thu nhập chung hiện nay ở Việt Nam, nếu miễn hoặc giảm thuế TNCN cho những đối tượng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng tức là giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình trở lên, không phải là những người có thu nhập thấp, không phải là những người rất khó khăn. Do đó, không cần chính sách miễn, giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Trước đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Do đó, đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 cũng đã nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sẽ chưa phải nộp thuế TNCN. Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.

Chưa kể, trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn (hoặc không phải nộp). Như vậy đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

Ví dụ, với trường hợp cá nhân có 1 người phụ thuộc, nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì người này không phải nộp thuế TNCN. Nếu thu nhập 18 triệu đồng cũng chỉ nộp thuế 35.000 đồng/tháng. Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn (hoặc không phải nộp).

Nếu thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì sau khi nộp bảo hiểm bắt buộc và giảm trừ gia cảnh, chỉ nộp thuế TNCN là 39.500 đồng/tháng (số tiền thuế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng thu nhập của cá nhân).

Nhìn chung, chính sách giảm thuế TNCN còn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng cần phải nhắc lại là nghĩa vụ thuế không chỉ đảm bảo nguồn cung cho ngân sách nhà nước mà còn là công cụ bảo vệ người dân và doanh nghiệp trong khủng khoảng.