Góc khuất trong đấu giá đất

An Chi - 15:07, 01/06/2022

TheLEADERNhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần mạnh tay xử lý tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất đai, nhằm tránh những hệ lụy lớn đối với kinh tế, xã hội, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Góc khuất trong đấu giá đất
Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời.

Phát biểu về những góc khuất, những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian vừa qua tại Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/6/2022, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chỉ rõ 4 vấn đề gây ra hệ lụy lớn cho kinh tế, xã hội nên cần mạnh tay xử lý dứt điểm.

Theo đó, thứ nhất là tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao. Bà Thuỷ cho rằng, việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất ở nước ta. Không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này thắng với mức đấu giá cao chót vót, sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số.

Lấy dẫn chứng tại Thủ Thiêm, ngay sau đấu giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng thầu, thực chất là giá ảo để té nước theo mưa đẩy giá đất, giá nhà tại TP. HCM lên cao để đẩy một lượng hàng lớn bất động sản, nhà, đất mà họ đã mua gom trước đó.

Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời.

Mạnh tay xử lý sai phạm trong đấu giá đất
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Thậm chí, có những nhà đầu tư lợi dụng việc đấu giá đất thành công để nâng giá trị cổ phiếu trái phiếu. Nguy hiểm hơn, có doanh nghiệp còn lợi dụng để đánh võng giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng, đại biểu nhấn mạnh.

Thứ hai là tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất. Đại biểu chỉ rõ các thủ đoạn trong đấu giá đất, giá của lô bị thao túng gây ra những thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là những vi phạm về quy định về đấu giá, đấu thầu.

Nói rõ hơn về vấn đề này, theo bà Thủy, tình trạng dìm giá đất có sự tham gia của xã hội đen, đe dọa những người tham gia đấu giá bỏ cuộc, rút hồ sơ. Khi đó, cuộc tham gia đấu giá chỉ còn một người tham gia, một mình một chợ, những người khác tham gia chỉ là "quân xanh, quân đỏ".

Do bị các đối tượng thao túng, giá lô đất được đấu giá thấp hơn nhiều giá thị trường, cao hơn không đáng kể giá khởi điểm. Những thủ đoạn này đã gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Thứ ba, tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước. Theo bà Thủy, sẽ không thể tác động được vào cuộc đấu giá nếu như không có "tay trong". Ở mức độ vi phạm đơn giản thì cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin để có thể trúng giá rẻ. 

Còn mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn là sự cấu kết của những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích, rút ruột của Nhà nước tại các phiên đấu giá. Lấy ví dụ gần đây vụ án ở Hà Nội, các đối tượng đã bắt tay với những người có trách nhiệm để điều chỉnh giá đất rẻ hơn gần một nửa so với giá ban đầu, từ 500 tỉ đồng xuống còn 300 tỉ đồng.

"Nếu phi vụ này trót lọt, Nhà nước sẽ mất gần một nửa tiền, nhưng đến nay vụ án này đã có 8 bị can bị khởi tố, trong đó có 2 bị can là cán bộ quản lý dự án. Dư luận băn khoăn liệu có nhiều phi vụ tương tự như vậy chưa được phát hiện hay không", bà Thủy đặt vấn đề.

Thứ tư, tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá. Đại biểu nêu rõ, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn, trong khi cơ chế kiểm soát lại hết sức lỏng lẻo. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung và thẩm định giá đất nói riêng.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng theo quy định của Luật Đất đai.

UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ, kịp thời giá đất theo sát giá đất thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất cho người dân, đảm bảo sự công bằng bình đẳng trong các mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quy định rõ các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để cơ quan thuế địa phương thực hiện nhất quán, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Còn theo bà Thuỷ, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải mạnh tay xử lý đối với những chiêu trò "quân xanh, quân đỏ", thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, đánh võng giá đất, thổi giá đất nêu trên đã gây ra những hệ lụy rất lớn với kinh tế xã hội.

Theo đó, Chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này; đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm tội phạm trong hoạt động này.