Hai vướng mắc chính trong xã hội hóa hạ tầng hàng không

An Chi - 10:25, 14/09/2022

TheLEADERPhó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc nâng cấp, mở rộng, xây dựng sân bay là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội; do đó các địa phương cần quyết tâm, rốt ráo thực hiện.

Theo quy hoạch hệ thống cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, dự kiến cả nước sẽ có 28 cảng hàng không, bao gồm 14 sân bay quốc tế, 14 sân bay quốc nội. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 31 cảng hàng không (14 sân bay quốc tế, 17 sân bay quốc nội).

Đề án xã hội hoá hạ tầng hàng không cũng đã được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ từ lâu, song theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, việc huy động các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không hiện hữu vẫn còn rất khó khăn.

Trong đó, vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay là tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhiều đơn vị quản lý. Việc chuyển giao tài sản cho một đơn vị quản lý để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP rất khó khăn.

Mặt khác, thể chế chính sách để sử dụng tài sản của Nhà nước tham gia dự án đầu tư cảng hàng không theo hình thức PPP cũng chưa thực sự rõ.

Việc đầu tư các sân bay mới đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong khi hầu hết các cảng hàng không đều có quy mô công suất nhỏ, doanh thu thấp, thời gian hoàn vốn dài (khoảng 47-50 năm) nên phương án tài chính BOT thường có tính khả thi không cao. 

Khẳng định đầu tư xây dựng cảng hàng không sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, việc nâng cấp, mở rộng, xây dựng sân bay là rất cần thiết đối với các địa phương.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động hơn trong đầu tư xây dựng cảng hàng không và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, trước yêu cầu chung cho phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không hiện đã không còn đáp ứng được. Nguyên nhân là do việc phát triển hạ tầng hàng không hiện tập trung nhiều vào ACV, trong khi đơn bị này không đủ nguồn lực. Mặc dù ACV cũng thấy nhu cầu phát triển là tất yếu nhưng nguồn lực không có, muốn đầu tư nhưng không có vốn để triển khai.

Trên cơ sở đó, theo ông Thành, vừa qua, Chính phủ đã giao cho các địa phương, cơ quan có thẩm quyền huy động vốn đầu tư, phát triển sân bay. Các địa phương có tiềm lực, thu ngân sách cao có thể hoàn toàn chủ động trong việc phát triển các cảng.

Hai vướng mắc chính, "kéo lùi" việc xã hội hoá hạ tầng hàng không
Phó thủ tướng Lê Văn Thành

Chủ trương này rất đúng đắn, việc phân cấp mạnh cho các địa phương là hợp lý. Mỗi địa phương thực hiện được 1 cảng hàng không có thể làm thay đổi rất rõ sự phát triển kinh tế của các khu vực. Song, theo Phó thủ tướng, việc xã hội hoá hạ tầng hàng không hiện đang gặp phải hai vướng mắc chính.

Thứ nhất, các thủ tục đầu tư còn chồng chéo, rườm rà. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực đầu tư cảng hàng không còn chậm.

Ví dụ, Sa Pa, Bình Thuận, vẫn chậm quá trình chuyển đổi, từ lúc có chủ trương đến có quyết định giao cho các địa phương vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành.

Thứ hai, liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch. Nhiều sân bay điều chỉnh quy hoạch nhiều lần khiến việc đầu tư xây dựng bị chậm. Các điều chỉnh này nhiều khi không đáng kể nhưng thủ tục rườm rà, gây mất thời gian. 

"Do đó, trên tinh thần là những phương án đã phê duyệt rồi, những gì sai lớn cần điều chỉnh, còn những điều chỉnh không cần thiết hoặc không có ý nghĩa nhiều ở thời điểm hiện tại thì có thể điều chỉnh sau", ông Thành nhấn mạnh và cho rằng, việc quy hoạch sân bay cần phù hợp với điều kiện phát triển và thực tế của các địa phương. Đơn cử như sân bay Côn Đảo, nếu làm đường băng 3050m, thêm 600m so với phương án trước đó nhưng tốn thêm 4 ngàn tỷ đồng.

Đây là bài toán cần phải tính toán dài hơn, bởi có thể hiện tại sân bay này chưa cần mở rộng thêm 600m đường băng ngay mà đợi sau này khi khách bay đông hơn, nhu cầu mở rộng lớn mới thay đổi mở rộng sau cũng chưa muộn. "Cũng giống như việc mở quán phở, chúng ta không thể xây dựng quán phở quá to, rộng trong khi chỉ phục vụ 10 khách, như vậy là không cần thiết và lãng phí ở thời điểm hiện tại".

Chính vì vậy, với các sân bay muốn điều chỉnh quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải cần rà soát lại về mức độ cần thiết. Bây giờ tháng 9 rồi, tháng 10 - 11 phải phê duyệt đi để sớm triển khai các bước tiếp theo, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp nhằm sớm kêu gọi được nguồn vốn xã hội hoá vào đầu tư hạ tầng hàng không, Phó thủ tướng yêu cầu “tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, từ khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư tới khâu kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cảng hàng không”.

Trong số 3 sân bay lưỡng dụng gồm Biên Hoà, Thành Sơn, Long Biên và 7 sân bay có nhu cầu mở rộng: Vinh, Liên Khương, Chu Lai, Thọ Xuân, Côn Đảo, Cần Thơ, Nà Sản, tinh thần chỉ đạo chung là phân cấp cho các địa phương. Chính phủ giao cho các địa phương chuẩn bị dự án, sau khi chuẩn bị dự án xong sẽ giao cho các cơ quan có thẩm quyền.

Để phát triển một cảng hàng không, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, chỉ nên tóm lại hai bước cơ bản: Các địa phương chuẩn bị đầu tư, thiết kế, lập dự án; kêu gọi đầu tư.

"Thủ tục như vậy để gọn nhẹ, tránh việc vẽ ra hàng chục bước, gây rườm ra, phức tạp cho triển khai thực hiện", ông Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, đầu tư sân bay rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.

Trong việc thiết kế, lập quy hoạch, các địa phương chú ý vừa phải phù hợp với tình hình hoàn cảnh của địa phương, điều kiện về vốn, triển khai nhưng cũng vừa phải có tầm nhìn rộng, dài hạn, tránh sân bay vừa xây xong đã quá tải. 

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập dự án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như sân bay Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Lai Châu, sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát lại một lần nữa để kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, bảo đảm quy mô phù hợp.