HUBA kiến nghị giảm thuế VAT cho bất động sản đến hết 2024

Hứa Phương - 11:09, 02/11/2023

TheLEADERHiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị đưa bất động sản vào danh mục giảm thuế VAT, thời gian giảm kéo dài đến hết năm 2024.

Các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản hầu hết rơi vào tình trạng khó khăn do nợ, không thu hồi được nợ và khó trả nợ trái phiếu. Thị trường bất động sản thanh khoản kém khiến các doanh nghiệp kinh doanh đình đốn.

Do thiếu vốn nên việc tiếp cận dự án đầu tư công khó khả thi, dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản, theo báo cáo tháng 10/2023 của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA).

Những khó khăn của thị trường bất động sản đã tác động nặng nề đến nhiều ngành, đặc biệt là xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất, môi giới bất động sản... làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách.

Trước thực trạng đó HUBA cho rằng, phục hồi thị trường bất động sản là nhu cầu cấp thiết, giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định kinh tế. Việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng cuối năm (từ ngày 1/7 đến 31/12) đang được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ.

Tuy nhiên, một số ngành trong đó có bất động sản lại không được hỗ trợ và thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ để hiệu quả của chính sách tác động sâu vào nền kinh tế.

Do đó, HUBA kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 8% cho tất cả ngành kinh tế và kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2024.

Đồng thời nên có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ nguồn tiền kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh giảm thuế, HUBA cũng kiến nghị phát triển thị trường bất động sản theo từng phân khúc.

Cụ thể, đối với thị trường nhà ở, theo kế hoạch tại Quyết định 4151/QĐ-UBND, giai đoạn 2021 - 2025 TP HCM sẽ phát triển 50 triệu m2 nhà ở. Tuy nhiên, số lượng thực hiện rất thấp, đặc biệt nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân chưa đáp ứng đủ 10% nhu cầu do vấn đề pháp lý, thủ tục, cơ chế thực hiện chưa rõ ràng.

Do đó, TP.HCM nên có các chính sách hỗ trợ sự phục hồi và phát triển của thị trường, hỗ trợ việc làm cho doanh nghiệp và đảm bảo nhu cầu an cư của người dân.

Đối với bất động sản công nghiệp, khó khăn của phân khúc này hiện này là nguồn cung và pháp lý đất khu công nghiệp. Ngoài ra, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm nhưng không gắn liền với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm mất khả năng thế chấp vay, giảm sức cạnh tranh của các khu công nghiệp tại TP.HCM so với các tỉnh trong khu vực.

HUBA đề xuất TP.HCM quy hoạch một số khu công nghiệp tập trung ở ngoại thành có diện tích đủ lớn để đáp ứng nhu cầu xây dựng bản doanh của các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Boeing, Google, Siemens, Amazon, Foxcom... từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ, sản xuất phụ trợ và tạo việc làm cho người lao động.

Riêng với bất động sản thương mại du lịch gồm biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, officetel, shophouse thì hầu như tê liệt thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và vướng mắc pháp lý.