Khai trương thư viện đầu tiên của xã Yên Bài

Nguyễn Cảnh - 16:38, 15/11/2023

TheLEADERChính thức ra mắt từ ngày 14/11, thư viện thôn Quýt được kỳ vọng sẽ thắp lên ngọn lửa tìm hiểu tri thức, thói quen đọc sách của học sinh cũng như góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa của xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội.

Khai trương thư viện đầu tiên của xã Yên Bài
Thư viện đáp ứng nhu cầu học và đọc người dân thôn Quýt, xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Ảnh: Hoàng Anh

Sau một thời gian nung nấu ý tưởng và kêu gọi ủng hộ của các nhà tài trợ, Tạp chí điện tử Nhà quản trị - TheLEADER đã phối hợp UBND, HĐND, MTTQ cùng các cơ quan đoàn thể xã Yên Bài tổ chức ra mắt thư viện thôn Quýt với mục tiêu tạo lập một điểm văn hóa, học tập trau dồi kiến thức dành cho người dân sở tại nói chung và trẻ em đang ở ghế nhà trường nói riêng.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập Tạp chí Nhà quản trị chia sẻ mong muốn đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương thông qua những ý tưởng, kế hoạch giàu tầm nhìn.

Nhà báo Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Nhà quản trị (ảnh: Hoàng Anh)
Nhà báo Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Nhà quản trị. Ảnh: Hoàng Anh

Thôn Quýt có vị trí địa lý với điều kiện tự nhiên, văn hóa tâm linh rất đặc biệt với cộng đồng dân tộc Mường sinh sống tập trung nơi đây, nằm trong vùng đệm của dãy núi Ba Vì có vùng du lịch suối Mơ thơ mộng; cộng thêm tục thờ Đức thánh Tản Viên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ hàng ngàn năm tại địa phương qua đền thờ Tản viên dưới tán cây đa di sản nghìn tuổi nổi tiếng... 

Trong một lần trò chuyện với anh Nam, trưởng thôn Quýt khi tham quan nhà văn hóa, ông Cương đã đề nghị sẽ vận động tài trợ để xây dựng nên một thư viện phục vụ người dân sở tại, qua đó, biến thư viện trở thành một điểm giao lưu văn hóa cộng đồng của thôn, xã; đóng góp một phần vào hoạt động phát triển văn hóa, nâng cao tri thức cho cộng đồng người dân nơi đây. 

Bên cạnh đó, thư viện thôn khi hình thành sẽ trở thành một điểm nhấn văn hóa, thu hút du khách cũng như góp phần tạo điều kiện cho khách du lịch có cơ hội đóng góp giá trị cho cộng đồng. 

Điển hình, địa phương có thể tổ chức những lớp học tiếng Anh tại khuôn viên nhà văn hóa do chính các du khách tham gia giảng dạy. Điều này hoàn toàn thiết thực và bổ ích, bởi địa phương chưa có điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động giảng dạy ngoại ngữ, văn hóa nước ngoài phục vụ giới trẻ.

Ông Nguyễn Việt Giao (bên phải), bí thư xã Yên Bài nhìn nhận sự kiện này đã đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của nhân dân nơi đây, nhất là thế hệ trẻ. (ảnh: Hoàng Anh)
Ông Nguyễn Việt Giao (bên phải), Bí thư xã Yên Bài. Ảnh: Hoàng Anh

Với dân số khoảng 9.000 người, 8 thôn, Yên Bài có trên 40% người Mường sinh sống, còn lại là người Kinh và các dân tộc khác. Cho tới thời điểm hiện tại, đây là thư viện đầu tiên của thôn Quýt và cũng là của xã Yên Bài.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Việt Giao, Bí thư Đảng ủy xã Yên Bài cho biết, vì nguồn lực, cơ sở vật chất còn hạn chế nên chỉ có một số xã được làm điểm về đầu tư, luân chuyển các đầu sách nên chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế. Với chương trình phát triển văn hóa đọc cho thôn Quýt, các thôn khác cũng như các nhà trường có thể về đây tham khảo ý tưởng.

Thực tế, việc đầu tư cho giáo dục trên địa bàn vẫn chỉ ở mức nhất định. Ý tưởng về phát triển thư viện trở thành một điểm tham quan du lịch, trao đổi văn hóa, giảng dạy ngoại ngữ như nhà báo Nguyễn Cao Cương đề cập rất hợp lý.

Trong thời gian tới, thông qua sự đồng hành hỗ trợ của các nhà hảo tâm cũng như Tạp chí điện tử Nhà quản trị, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của văn hóa đọc, đầu tư vào giáo dục để hướng tới phát triển cho tương lai. Đây là hoạt động đầu tư một cách bền vững và xứng đáng quan tâm.

“Với việc ra mắt, đi vào hoạt động của thư viện này, bằng sự đóng góp đầy ý nghĩa và đúng lúc của Tạp chí Nhà quản trị, xã và thôn rất vui mừng vì giá trị văn hóa cộng đồng mang lại của thư viện. Xa hơn, địa phương mong muốn nhận được sự đồng hành bền vững từ phía tạp chí cũng như các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền tổ quốc”.

Thư viện đầu tiên của thôn Quýt với hơn 400 cuốn sách cùng nhiều trang thiết bị cần thiết đã đi vào hoạt động (Ảnh: Hoàng Anh)
Thư viện đầu tiên của thôn Quýt với hơn 400 cuốn sách cùng nhiều trang thiết bị cần thiết đã đi vào hoạt động. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng thôn Quýt cũng bày tỏ, sách là người bạn tâm giao của mỗi người và đọc sách từ lâu đã trở thành nhu cầu cần thiết của con người liên quan tới học tập, đàm đạo, trau dồi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, quản lý. UNESCO đã chọn ngày 21/4 hàng năm là ngày sách và bản quyền thế giới, Việt Nam cũng chọn ngày đó là ngày hội đọc sách.

"Qua một thời gian tu bổ từ một công trình trước đây của thôn là nhà máy nước sạch nhưng đã để không khá lâu, tránh tình trạng để lãng phí mặt bằng, thôn đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động thư viện với sự giúp đỡ rất có ý nghĩa của Tạp chí điện tử Nhà quản trị cùng các nhà tài trợ, cũng như ủng hộ, tạo điều kiện về chủ trương của lãnh đạo địa phương", ông Nam nói. 

Thư viện đã đón nhận của đơn vị tài trợ hơn 400 cuốn sách, 1 bộ máy tính, 2 tủ trưng bày sách và quạt treo tường, 1 tivi lớn phục vụ họp trực tuyến cho xã. Đây có thể coi là bước khởi đầu đầy ý nghĩa, góp phần đáp ứng nhu cầu học và đọc của trẻ em thôn cũng như người dân sở tại.

Chương trình xây dựng Thư viện cộng đồng thôn Quýt đã nhận được sự đồng hành và tài trợ của các tổ chức và cá nhân: Tập đoàn Thaco-Trường Hải; Công ty CP Truyền thông Tây Việt; Bà Trần Tuệ Tri - CEO Pharmacity; Chi bộ và tập thể cán bộ, nhân viên, phóng viên và biên tập viên TheLEADER.