Khi nền kinh tế nằm sau "một cú nhấp chuột"

Đặng Hoa - 08:00, 24/10/2017

TheLEADERCác chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp của Việt Nam cần phải ứng dụng công nghệ để hòa mình vào nền kinh tế số, nếu không sẽ bị thụt lùi, thậm chí là bị tiêu diệt.

Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, Đại học Quản trị kinh doanh IPAG (Pháp), thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, hiện nay 90% các hoạt động thanh toán và khoảng 80% hoạt động mua bán đều được thực hiện qua mạng Internet. Kinh tế số hóa đang ngấm và chuyển mình trong đời sống của mỗi người.

GS.TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ. Ảnh Tuổi trẻ

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một trong những đòn bẩy quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Chia sẻ tại hội thảo “Kinh tế số hoá - Thế giới không chờ chúng ta” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Khương cho biết, trong vài năm trở lại đây, trung bình tăng trưởng của thế giới là 2,5% trong khi tăng trưởng của kinh tế số hóa nói riêng cao gấp 4-5 lần và trong tương lai còn cao hơn nữa. Kinh tế số hóa đã giúp các quốc gia tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm chi phí đồng thời giúp tìm ra các mô hình kinh tế mới và vượt trội.

Tại Việt Nam, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải hay Viber, Facebook trong lĩnh vực thông tin truyền thông đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.

Yeah1 Network, một công ty giải trí truyền thông online của Việt Nam, là một dẫn chứng điển hình cho việc số hóa có thể giúp người Việt phát triển trong nước và vươn ra thế giới. Mặc dù chưa bao giờ thành lập trụ sở ở nước ngoài nhưng Yeah1 Network hiện đang nắm giữ vị trí số 1 Châu Á và thứ 7 toàn cầu trong lĩnh vực Youtube.

Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực Đầu tư công nghệ - Quỹ VinaCapital cho biết, người dân Việt Nam càng ngày càng gia nhập thời đại số. Trong 4 năm tới tại Việt Nam, số người sử dụng internet tăng 10%, số người sử dụng mạng xã hội tăng 25%, số người dùng smartphone tăng 5% và số người sử dụng internet trên smartphone tăng 21%.

Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành Đầu tư công nghệ - Quỹ VinaCapital

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng mặc dù đang phát triển mạnh về các chỉ số nhưng nền kinh tế số của Việt Nam đang trong nguy cơ đi thụt lùi. 

Năm 2016 chỉ số về độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam chỉ đứng thứ 115 trong khi năm 2015 xếp thứ 114 và vài năm trước đó nằm trong top 100 trên toàn thế giới. 

Ngoài ra, theo một khảo sát của Đại học Havard và Đại học Tufts của Mỹ về nền kinh tế số tại 50 quốc gia trên thế giới vào năm 2015, Việt Nam và Colombia cùng có nền kinh tế số phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, khảo sát này vào năm 2017 cho thấy mặc dù Việt Nam có chỉ số kinh tế hóa cao nhưng lại có nguy cơ đi thụt lùi trong khi Colombia tăng tốc nhanh và vượt xa Việt Nam.

Trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài giúp các doanh nghiệp Việt Nam đủ tính cạnh tranh khi nền kinh tế Việt Nam tham gia ngày càng bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, theo nhìn nhận của ông Phúc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang bị đe dọa và cần được giúp đỡ khẩn trương để hòa mình vào nền kinh tế số hóa. 

“Các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải ứng dụng công nghệ để gia nhập vào nền kinh tế số, nếu không sẽ bị thụt lùi, thậm chí là bị tiêu diệt”

Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành Đầu tư công nghệ - Quỹ VinaCapital

Hiện nay, các công ty vừa và nhỏ chỉ đóng góp vào khoảng 50% nhân sự của nền kinh tế trong nước; số công ty vừa và nhỏ chiếm tới 98% tại Việt Nam nhưng chỉ đóng góp 40% trong tổng GDP của quốc gia do không biết ứng dụng công nghệ để phát triển.

Thêm vào đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo về việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. 

Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới.

Aymeril Hoang.

Để giải quyết bài toán này, theo Aymeril Hoang, Giám đốc đổi mới sáng tạo Tập đoàn tài chính Société Générale (quy mô 150.000 nhân viên trên toàn thế giới), giáo dục là một trong những yếu tố tiên quyết để có thể đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.

Hiện nhu cầu về lập trình tại Việt Nam đang tăng cao, đặc biệt là lập trình cho các công ty khởi nghiệp, các công ty nước ngoài đang gia công phần mềm tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước như FPT, Viettel. Tuy nhiên nguồn cung từ các trường đại học chính quy trong nước lại không thể đáp ứng đủ cả về chất và lượng.

Khi nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang “nằm sau một cú nhấp chuột” thì việc ứng dụng công nghệ để hòa mình vào nền kinh tế số hóa là điều kiện tiên quyết để phát triển. 

Ông Phúc cho rằng lúc này chính là giai đoạn then chốt để Chính phủ Việt Nam đưa ra những quyết sách. Các công ty trong nước cần được hỗ trợ để chiếm lĩnh thị trường nội địa và dần dần vươn ra thế giới.