Không hợp thức hóa sai phạm về điện mặt trời

Nguyễn Cảnh - 11:33, 05/11/2023

TheLEADERBộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh "tuyệt đối không hợp thức hóa sai phạm" liên quan đến điện mặt trời trong việc lên danh mục dự án đưa vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

Không hợp thức hóa sai phạm về điện mặt trời
Các dự án điện mặt trời tập trung sẽ được rà soát kỹ để vào danh mục thực hiện Quy hoạch điện VIII. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Bộ Công thương vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, lập danh mục dự án đối với điện gió trên bờ, điện mặt trời tập trung, thủy điện nhỏ, điện rác và sinh khối.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu danh mục các dự án cụ thể cần đáp ứng 9 tiêu chí về tình trạng pháp lý và hiện trạng triển khai, sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn, địa điểm, quy mô dự án, phương án đấu nối vào hệ thống điện, tổng mức đầu tư sơ bộ và giá bán điện đề xuất.

Đặc biệt, với các dự án điện mặt trời (ĐMT) tập trung, bộ trưởng chỉ đạo chỉ rà soát danh mục các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương và giao chủ đầu tư để đánh giá theo các tiêu chí nêu trên nhất là tình trạng pháp lý.

“Tuyệt đối không hợp thức hóa sai phạm theo chỉ đạo của lãnh đạo các cấp để đề xuất tiếp tục triển khai hoặc loại ra khỏi quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Các địa phương được yêu cầu khẩn trương thực hiện, chịu trách nhiệm về số liệu cung cấp, gửi văn bản về Bộ Công thương trước 8/11.

Khoảng 2 tuần trước, Bộ Công thương cho biết, kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII hiện chưa xác định được danh mục các dự án điện mặt trời tập trung.

Tình trạng này, theo Bộ Công thương lý giải, xuất phát từ việc chưa đủ cơ sở đánh giá từ địa phương đặc biệt là liên quan tới 23 dự án/phần dự án đã duyệt quy hoạch, chấp thuận đầu tư. 

Cụ thể, Quy hoạch điện VIII yêu cầu, đối với các dự án ĐMT đã duyệt quy hoạch, chấp thuận sẽ được xem xét tiến độ cụ thể trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh, cân đối các nguồn, phụ tải, phù hợp hạ tầng lưới điện, hiệu quả về kinh tế, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Các dự án ĐMT đã có quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030 nhưng chưa giao chủ đầu tư thì chưa được phép triển khai mà xem xét sau năm 2030, trừ trường hợp triển khai theo hình thức tự sản, tự tiêu trên cơ sở không hợp thức hóa nếu có vi phạm về quy hoạch, đất đai và các quy định khác

Cũng theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nguồn ĐMT dự kiến tăng thêm 4.100MW, trong đó ĐMT tập trung tăng thêm 1.500MW, còn lại là ĐMT mái nhà.

Trên cơ sở này, Bộ Công thương đã lấy ý kiến các địa phương vào cuối tháng 9 vừa qua. Trong đó, đề nghị các tỉnh/thành trực thuộc trung ương rà soát các dự án ĐMT tập trung để đánh giá mức độ đáp ứng của các dự án, nhất là 23 trường hợp nêu trên.

Tuy nhiên, tới 12/10 chỉ có 9/11 địa phương liên quan phản hồi và các thông tin đánh giá dự án chưa đầy đủ. Vì vậy, Bộ Công thương nhận định chưa đủ cơ sở để các định được danh mục dự án ĐMT, xem xét tiến độ cụ thể trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

Một nguyên nhân nữa là liên quan đến nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Kết luận 1027 của Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều hoạt động thể hiện sự buông lỏng quản lý phát triển điện mặt trời của Bộ Công thương. Căn cứ kết quả rà soát, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra xử lý theo quy định pháp luật một số vấn đề theo quy định pháp luật.

Điển hình, Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt bổ sung 154 dự án ĐMT với tổng công suất khoảng 13.840MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch (không bao gồm 14 dự án được Bộ Công thương phê duyệt trong quy hoạch điện lực cấp tỉnh của 4 tỉnh trước năm 2016 cập nhật sang giai đoạn 2016-2020).

Trong đó, 123 dự án được duyệt với tổng công suất khoảng 8.500MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020 là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho quản lý vận hành hệ thống điện, lãng phí nguồn lực xã hội…

Điều này, thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quy định tại điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Thanh tra Chính phủ xác định.

Hay như việc Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án ĐMT có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020. Trong số này, 92 dự án được phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư.

Trong 23 tỉnh nêu trên, 15 tỉnh không quy hoạch đầu tư ĐMT trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch ĐMT đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố được lập, phê duyệt theo quy định tại Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.

Vì vậy, việc Bộ Công thương phê duyệt 92 dự án có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020 được xác định là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, vi phạm Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.