Kỳ vọng phục hồi doanh nghiệp đã phản ánh vào giá cổ phiếu

Trần Anh - 09:34, 22/02/2024

TheLEADERTheo FiinGroup, triển vọng lợi nhuận hồi phục sẽ tiếp tục là động lực cho giá cổ phiếu trong năm 2024, nhưng khó diễn ra trên diện rộng mà chỉ tập trung ở các ngành có câu chuyện thực sự.

Kỳ vọng phục hồi doanh nghiệp đã phản ánh vào giá cổ phiếu
Triển vọng lợi nhuận ngành bất động sản khu công nghiệp phụ thuộc lớn vào giải ngân FDI. Ảnh: Hoàng Anh

Thống kê gần đây của FiinGroup ghi nhận, lợi nhuận quý IV/2023 của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng trưởng đột phá từ mức đáy cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, sự hồi phục mạnh trong quý cuối cùng không bù đắp cho kết quả cả năm.

Năm 2023, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường vẫn giảm 6,7% và thậm chí còn lớn hơn mức giảm của năm 2020 (khi dịch Covid-19 khởi phát). Đây là kết quả kém hơn so với kế hoạch dự kiến chỉ giảm 3% được các doanh nghiệp đặt ra tại Đại hội cổ đông đầu năm.

Điểm tích cực là nhiều ngành ghi nhận lãi sau thuế cả năm 2023 giảm nhưng đã có tín hiệu hồi phục hoặc tiếp tục tăng trong quý IV. Có thể kể tới ngành ngân hàng, công nghệ thông tin, thép, hàng cá nhân, thực phẩm, xây dựng và vật liệu. Ngược lại, lợi nhuận của ngành bán lẻ và tiện ích chưa thoát khỏi xu hướng giảm.

Báo cáo của FiinGroup đánh giá, từ số liệu có thể thấy câu chuyện hồi phục đã được phản ánh vào giá cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành, bao gồm cả những ngành có tăng trưởng kém xa kỳ vọng hay thậm chí lợi nhuận vẫn đang "dò đáy". 

Triển vọng lợi nhuận hồi phục sẽ tiếp tục là động lực cho giá cổ phiếu trong năm 2024, nhưng khó diễn ra trên diện rộng mà chỉ tập trung ở các ngành có câu chuyện thực sự.

Dựa trên định giá và phân tích doanh nghiệp, FiinGroup đưa phân tích cụ thể của một số nhóm ngành.

Thứ nhất, các ngành có giá tăng nhờ kỳ vọng hồi phục, gồm hóa chất, xây dựng, bán lẻ, thủy sản, điện, bất động sản khu công nghiệp, vận tải thủy… Đây là những ngành có giá cổ phiếu tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng lợi nhuận lại suy giảm.

Giá tăng chủ yếu nhờ kỳ vọng lợi nhuận sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại sau giai đoạn gián đoạn kinh doanh vì dịch Covid-19. Các câu chuyện kỳ vọng này đã thu hút dòng tiền tham gia, đẩy định giá tăng cao.

Kỳ vọng phục hồi của doanh nghiệp đã được phản ánh vào giá cổ phiếu

Trên thực tế, kỳ vọng về sự hồi phục mạnh mẽ ở các nhóm ngành này vẫn chưa thành hiện thực trong năm 2023. Đây cũng là những nhóm ngành đòi hỏi phải có tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong năm 2024 để bù đắp cho các kỳ vọng đã được trả giá trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên nhìn sang năm 2024, trong bối cảnh cầu tiêu dùng vẫn khá thấp, triển vọng lợi nhuận ở hầu hết các ngành này khó có thể hồi phục mạnh.

Với bất động sản khu công nghiệp, động lực hỗ trợ giá tiếp tục là những thông tin tích cực liên quan đến hoạt động giải ngân vốn FDI. Với thủy sản, sự hồi phục về hoạt động xuất khẩu đang gặp trở ngại khi cầu tiêu dùng vẫn yếu ở các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, Trung Quốc) và chi phí vận chuyển tăng lên.

Thứ hai, các ngành có giá tăng nhờ định giá và lợi nhuận cùng tăng. Chứng khoán, công nghệ thông tin, ống nhựa, chuyển phát nhanh và thép là các ngành có hiệu suất về giá vượt trội so với thị trường chung trong năm 2023 nhờ sự hồi phục mạnh mẽ từ vùng đáy về lợi nhuận cũng như định giá tăng mạnh.

Nhóm phân tích cho rằng lợi nhuận của hầu hết các ngành này đã qua giai đoạn hồi phục và đang bước vào pha tăng trưởng và do đó khó có thể tạo ra động lực tăng giá trên diện rộng, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường thiếu ổn định như hiện nay.

Thứ ba, các ngành có giá tăng nhờ lợi nhuận tăng trưởng, nền định giá chưa tăng hoặc tăng thấp. Đáng chú ý là nhóm ngân hàng với kỳ vọng lợi nhuận sẽ hồi phục mạnh trên nền thấp của năm 2023.

FiinGroup cho rằng với mặt bằng định giá duy trì ở mức thấp trong hơn 1 năm sẽ là động lực về giá cho ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, lợi nhuận năm 2024 kỳ vọng tích cực nhờ mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào hỗ trợ ngân hàng giảm chi phí vốn cho hoạt động tín dụng và tạo dư địa cải thiện về NIM.

Tuy nhiên vẫn cần lưu ý rủi ro kinh tế tăng trưởng không như kỳ vọng, cầu tín dụng yếu và thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài khiến nợ xấu phình to và chi phí dự phòng tăng lên.