Loạt dự án nghìn tỷ ngóng dòng vốn từ Nhật Bản

Nguyễn Cảnh - 08:46, 23/04/2023

TheLEADERNhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch, hạ tầng, năng lượng với tổng mức đầu tư vượt 10.000 tỷ đồng được Quảng Trị lên kế hoạch giới thiệu, thu hút hợp tác với Nhật Bản.

Trên cơ sở danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Kế hoạch và đầu tư đề xuất giới thiệu 16 dự án tới các nhà đầu tư Nhật Bản để nghiên cứu, xem xét đầu tư. Đây là các dự án thuộc các ngành nghề, lĩnh vực mà Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm, thành tựu (nhất là trong công nghệ sản xuất).

Đứng đầu về mức vốn (3.910 tỷ đồng), là dự án khu dịch vụ du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Vĩnh Mốc được thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Với quy mô 187ha trên địa bàn các xã thuộc 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, dự án dự kiến gồm 5 khu dịch vụ - du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp (diện tích từ 20ha tới 100ha).

Lĩnh vực cơ sở hạ tầng ghi nhận 6 dự án thuộc địa bàn cửa khẩu La Lay, khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, huyện Hướng Hóa… Đáng chú ý về mức vốn, là 2 dự án theo hình thức PPP (Quốc lộ 15D và cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo với tổng trị giá khoảng 11.000 tỷ đồng) và dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo diện tích 365ha (2.300 – 2.760 tỷ đồng, 100% vốn nhà đầu tư).

Thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến công nghiệp, Quảng Trị đề xuất dự án nhà máy chế tạo, lắp ráp thiết bị, động cơ ôtô, xe máy, máy nông nghiệp; chế tạo, lắp ráp các sàn phẩm công nghiệp phụ trợ (vốn đầu tư 115-1.150 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, địa phương cũng giới thiệu dự án nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, thiết bị năng lượng mới và năng lượng tái tạo tại khu công nghiệp Quán Ngang (trị giá tối đa tới 920 tỷ đồng).

Đặc biệt, trong danh mục thu hút đầu tư xuất hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng – giai đoạn 2 (với hình thức liên doanh, PPP, nhưng chưa xác định quy mô và vốn đầu tư dự kiến).

Nhật Bản là đối tác phát triển quan trọng, nhà cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Theo định hướng hợp tác giữa hai quốc gia, Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi và vốn ODA thế hệ mới tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm: nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển; đào tạo nhân lực và tăng cường quản trị; ứng phó với biến đổi khí hậu và giải pháp môi trường; tăng cường kết nối và hoàn thiện hạ tầng công nghiệp; thúc đẩy phát triển xã hội như sức khỏe, y tế...

Căn cứ định hướng cung cấp ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam và nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đầu năm 2023, Sở Kế hoạch và đầu tư đã đề xuất danh mục một số dự án ODA trọng điểm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) và hành lang song song với hành lang kinh tế Đông – Tây (Para EWEC) để Chính phủ Nhật Bản xem xét, tài trợ.

Danh mục bao gồm 3 dự án: Xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (tổng mức đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng: trong đó 800 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương phục vụ giải phóng mặt bằng, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án PPP dự kiến 3.170 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 3.970 tỷ đồng); Quốc lộ 15D (chiều dài 78km, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng).

Riêng 2 dự án cao tốc trên được xác định lộ trình thực hiện trước 2030.

Ngoài ra còn có dự án tuyến đường sắt từ cảng Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo (chiều dài 114km, tổng mức đầu tư 4.560 tỷ đồng) được xác định sẽ thực hiện đầu tư sau năm 2030.