Lợi nhuận doanh nghiệp thép khởi sắc trở lại

Trần Anh - 16:01, 08/05/2023

TheLEADERDù nhu cầu chưa khởi sắc nhưng đa phần các doanh nghiệp thép đều cải thiện được lợi nhuận trong quý đầu năm 2023.

Kết thúc quý I, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, giảm đến hơn 95% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, những diễn biến trên vẫn được đánh giá là tích cực khi Hòa Phát đã ngắt được mạch thua lỗ 2 quý trước đó.

Bức tranh kinh doanh của Hòa Phát – đơn vị đang nắm khoảng 1/3 thị trường thép xây dựng có thể phản ánh bộ mặt chung của toàn ngành. Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát nhận định “giai đoạn khó khăn nhất đã qua”.

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) ghi nhận doanh thu tăng 3%, lợi nhuận quay lại số dương gần 70 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này đã có ba quý liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn.

Khả quan hơn, Hoa Sen Group thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong quý 1, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 7.000 tỷ, giảm 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ và cải thiện đáng kể so với quý trước. Nửa cuối năm 2022, doanh nghiệp này lỗ ròng hàng trăm tỷ mỗi quý.

Dù vẫn lỗ quý thứ 3 liên tiếp nhưng Thép Nam Kim và Pomina cũng đã có những tín hiệu khởi sắc hơn khi cải thiện được biên lợi nhuận gộp và thua lỗ ít hơn.

Mặc dù vậy, lợi nhuận ngành thép cải thiện hơn giai đoạn cuối năm trước không phải đến từ sức cầu hồi phục. Theo Hòa Phát, nhu cầu thép vẫn chưa được cải thiện trong quý I. Do đó, công ty có kết quả kinh doanh khả quan do quản trị hàng tồn, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường phát huy hiệu quả. Với Hoa Sen, công ty quản lý tốt các khoản chi phí thường xuyên, giảm trên 40% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý I, bán hàng thép thành phẩm đạt trên 6 triệu tấn, giảm hơn 25% so với cùng kỳ, riêng xuất khẩu giảm 9%. Trong khi sản xuất thép thành phẩm đã giảm 21%, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn lên đến hơn 600.000 tấn.

Lực cầu giảm, nhưng nhờ giá thép tăng liên tiếp ba tháng đầu năm đã góp phần tích cực trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giá thép sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái trong khi giá một số loại thép trong nước cũng đã giảm đến 1 triệu đồng/tấn trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

Theo VSA, giá thép xây dựng giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định, các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thép thế giới đã không diễn ra như mong đợi.

“Giá nguyên liệu sản xuất thép giảm là lý do để các doanh nghiệp sản xuất thép điều chỉnh giảm giá bán thép thành phẩm cho phù hợp với chi phí đầu vào. Ngoài việc giảm giá, nhiều nhà máy thông báo bảo lãnh giá nên trong trường hợp giá nguyên vật liệu chính cho sản xuất như thép phế, phôi thép tiếp tục đi xuống, giá thép xây dựng có thể sẽ giảm nữa”, VSA nhận định.

Trong báo cáo ngành thép mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá ngành bất động sản nội địa khó khăn là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép 2023. Đây là lĩnh vực chiếm tới 60% lượng tiêu thụ thép trong nước nhưng hiện đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu. Đầu tư công tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo lực đỡ cho nhu cầu thép nhưng đóng góp chưa thực sự đáng kể do tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều.

VCBS ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% trước khi hồi phục mạnh 7% vào năm 2024. Động lực tăng trưởng phần lớn đến từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.