'Màng lọc' dòng vốn FDI chất lượng cao

Phạm Sơn - 10:58, 14/04/2024

TheLEADERTriển khai mạnh mẽ các giải pháp hướng đến phát triển bền vững là cơ hội để Việt Nam "lọc" các dự án FDI chất lượng cao và tăng tính kết nối giữa khu vực FDI với doanh nghiệp nội.

'Màng lọc' dòng vốn FDI chất lượng cao
Áp dụng giải pháp kinh tế xanh đòi hỏi doanh nghiệp FDI phải liên kết chặt chẽ hơn với chuỗi cung ứng sẵn có tại địa phương. Ảnh: Hoàng Anh

EU đã công bố những chính sách mang tính đột phá nhằm “nắn” dòng thương mại như đạo luật chống suy thoái rừng hay cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM). 

Nhiều ý kiến cho rằng đây có thể trở thành rào cản thương mại mới nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của các chính sách này trong bối cảnh các vấn đề phát triển bền vững đang trở thành xu thế.

Đáng chú ý, các chính sách tương tự sẽ lan rộng ra nhiều thị trường khác trên thế giới, bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi nếu không muốn đánh mất thị trường. 

Mặt khác, sự chuyển đổi theo hướng bền vững đòi hỏi thay đổi tận sâu bên trong chuỗi cung ứng nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể đánh mất cả đối tác nếu không có giải pháp phù hợp.

Động thái xoay chuyển chính sách thương mại trên toàn cầu tác động mạnh mẽ đến nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Bruno Jaspaert, CEO Khu công nghiệp DEEP C, cho biết, 5 năm trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững.

Sự chuẩn bị của DEEP C giúp khu công nghiệp này tạo ra lợi thế thu hút đầu tư. Theo ông Bruno Jaspaert, lợi thế này hoàn toàn có thể mở rộng cho toàn đất nước để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế cho thấy, những cam kết chính trị đầy mạnh mẽ của Việt Nam như tuyên bố “net zero” vào năm 2050, luật hóa kinh tế tuần hoàn, ban hành quy hoạch điện VIII với mục tiêu chuyển dịch năng lượng đã thành công trong việc “gây chú ý” đối với nhà đầu tư quốc tế.

Một số dự án lớn đã được triển khai, điển hình như nhà máy trung hòa carbon trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego đến từ Đan Mạch, nhà máy đốt rác phát điện trị giá 280 triệu USD của Tập đoàn Thiên Ý đến từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI cũng triển khai nhiều giải pháp xanh hóa chuỗi cung ứng, phổ biến nhất là lắp đặt điện mặt trời áp mái, tuần hoàn chất thải quy mô nhà máy, khu công nghiệp hay đồng hành với Chính phủ thực hiện các dự án tăng cường năng lực xanh cho cộng đồng doanh nghiệp và startup.

Đây được xem như năng lực cạnh tranh mới của nền kinh tế Việt Nam để tận dụng cơ hội trong bối cảnh xu thế đầu tư toàn cầu chịu tác động mạnh mẽ từ những xung đột thương mại và bất ổn địa chính trị.

Bởi lẽ, dù được đánh giá là điểm đến an toàn với chi phí rẻ, nền chính trị ổn định và hoạt động ngoại giao kinh tế hiệu quả nhưng những lợi thế của Việt Nam không quá nổi trội so với nhiều quốc gia đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.

Mặt khác, Việt Nam cũng không sở hữu một hệ sinh thái phụ trợ công nghiệp hoàn chỉnh như Trung Quốc để có thể hấp thụ dòng vốn và trở thành “công xưởng” của thế giới. Đó chính là lý do Việt Nam cần xây dựng một lợi thế phù hợp hơn với thời đại.

Ngược lại, chính sách khuyến khích kinh tế xanh, phát triển bền vững cũng là giải pháp để chọn lọc những dự án FDI mang tính bền vững, đóng góp tích cực và thực chất cho kinh tế, xã hội và môi trường, thay vì chỉ nhìn vào những con số như tỷ lệ việc làm hay mức đóng góp vào ngân sách.

Tiêu chuẩn xanh tạo ra một sân chơi chung với luật chơi chặt chẽ, được điều chỉnh không chỉ bởi pháp lý mà còn là yêu cầu từ phía thị trường, từ đó gia tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp FDI.

Mặt khác, áp dụng giải pháp kinh tế xanh đòi hỏi doanh nghiệp FDI phải liên kết chặt chẽ hơn với chuỗi cung ứng sẵn có tại địa phương để triển khai các giải pháp cộng sinh công nghiệp và tận dụng nguồn cung ứng minh bạch tại chỗ.

Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua doanh nghiệp FDI, điều vẫn chưa thực sự làm được sau nhiều thập kỷ mở cửa nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư.