Mỗi khách hàng là một đại sứ

Mai Lan - 07:03, 08/02/2019

TheLEADERBà Somhatai và Tập đoàn Amata đang không ngừng tăng cường sự hiện diện của mình trên hai đầu quang gánh của dải đất hình chữ S với những dự án hàng tỷ đô la.

Vào thời điểm bất động sản công nghiệp còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam khoảng 25 năm trước, một trong những nhà phát triển thành phố công nghiệp hàng đầu châu Á đang lên kế hoạch tấn công thị trường nước ngoài. Ba cái tên được Amata đặt lên bàn cân bao gồm Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ và cuối cùng Việt Nam được lựa chọn sau khi cân nhắc nhiều yếu tố.

Lương duyên với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Bà Somhatai, Tổng Giám đốc Amata Việt Nam lý giải, Việt Nam là một đất nước có vị trí hết sức chiến lược với đường bờ biển dài dọc Thái Bình Dương và có nền chính trị ổn định. May mắn có được mối quan hệ thân thiết với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Amata biết đến Việt Nam và có cơ hội tìm hiểu, lựa chọn địa điểm đầu tư cũng như được giới thiệu những đối tác địa phương đầu tiên.

Mỗi khách hàng là một đại sứ
Bà Somhatai, Tổng Giám đốc Amata Việt Nam

“Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi cũng như những lời tư vấn của chúng tôi để cải thiện và phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam”, bà Somhatai cho biết.

Chẳng hạn, vào thời điểm bấy giờ, Việt Nam không hề có khái niệm dịch vụ một điểm đến, nghĩa là khi doanh nghiệp ngoại vào đầu tư sẽ không cần phải đi qua các bộ ngành của Việt Nam, họ chỉ cần tìm đến những nhà đầu tư cung cấp dịch vụ như Amata. Chính vì vậy, tập đoàn đến từ xứ sở Chùa Vàng đã góp phần tư vấn để hình thành nên chính sách đặc biệt này ở Việt Nam.

Chọn Việt Nam là một chuyện nhưng đối với Amata lúc đó, Biên Hoà (Đồng Nai) vẫn là lựa chọn hàng đầu và duy nhất. Bà Somhatai lý giải, khi Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Biên Hoà được lựa chọn là căn cứ quân sự của Mỹ vì có thế đất cao, giúp dễ dàng quan sát các khu vực xung quanh cũng như lợi thế về nguồn nước.

Ngoài ra, lãnh đạo Amata nhấn mạnh, con người là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi Việt Nam được xác định là điểm đến tuyệt nhất lúc bấy giờ và cũng là điều ấn tượng nhất đối với bà và những người khác trong lần đầu đến đây.

“Người dân Việt Nam sau khi trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt đã hình thành nên tính cách mạnh mẽ, xông xáo và đầy tham vọng. Các bạn luôn muốn học hỏi và làm việc chăm chỉ”, bà Somhatai cho biết.

Khi mới đặt chân đến TP. HCM, bao quanh những vị khách Thái Lan là nhiều người bản địa sẵn sàng quan sát, tiếp cận và tìm hiểu xem họ là ai, họ đến đây làm gì. Họ hoàn toàn bất ngờ với những người Việt Nam cần cù, chịu khó, sẵn sàng thức khuya học bài và làm việc, ai ai cũng làm nhiều hơn một công việc.

Trong khi đó, bà Somhatai gọi nền văn hoá của Thái Lan là S̄bāy S̄bāy - cuộc đời chưa bao giờ khó khăn. Đối với người Thái Lan, trên cánh đồng có lúa gạo, dưới sông có cá và họ luôn có sẵn đồ ăn, thức uống ở bất kỳ đâu. Chính vì vậy, họ không cần nỗ lực, không cần tham vọng và chẳng phải đấu tranh. Theo lãnh đạo Amata, đó là một cuộc sống dễ dàng nhưng đôi khi lại tạo nên tâm thế lười biếng.

“Chính vì sự khác biệt đó trong văn hoá giữa hai nước đã thôi thúc chúng tôi phải tiến ra bên ngoài. Nếu chúng tôi vẫn giữ thái độ đó, chúng tôi sẽ dễ dàng bị bỏ lại phía sau, và thực tế đã chứng minh điều đó”, bà Somhatai chia sẻ.

Là một trong những người đầu tiên của Tập đoàn đến Việt Nam vào năm 1995 với vai trò là nhân viên xúc tiến, bà Somhatai thừa nhận việc phát triển thị trường, mời gọi đầu tư ở thời điểm đó hết sức khó khăn. “Không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến Việt Nam. Việt Nam là ai? Chúng tôi phải chạy các chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu Việt Nam đến họ, tại sao nên chọn Việt Nam – một nơi có nhiều tiềm năng đầu tư sản xuất, những thế mạnh và điểm yếu của thị trường này là gì. Chúng tôi còn phải chờ từng bước phát triển của Việt Nam để có thể mời gọi được các nhà đầu tư quốc tế tốt nhất”, bà Somhatai nhớ lại.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển các khu công nghiệp ở Thái Lan với nhiều đối tác lớn đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan… Amata đã áp dụng các chiến lược kêu gọi đầu tư thành công trước đó vào thị trường Việt Nam vì với Amata, các doanh nghiệp ngoại vẫn là đối tượng khách hàng duy nhất, họ không hề hướng đến các doanh nghiệp Việt.

Trong khi các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể xây dựng nhà máy và vận hành sản xuất ở các khu vực ngoài khu công nghiệp thì các doanh nghiệp nước ngoài cần những nhà đầu tư như Amata hỗ trợ vì họ hiểu các doanh nghiệp ngoại cần gì, triết lý kinh doanh như thế nào và đặc biệt là có chung ngôn ngữ.

Vào thời điểm đó, giá nhân công ở Việt Nam thấp hơn Thái Lan rất nhiều, nguồn lao động lại dồi dào. Vì vậy, Amata đã lựa chọn những doanh nghiệp có các loại hình sản xuất tiềm năng từ Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản… làm khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên đối với Thái Lan, Amata chỉ hướng đến các nhà đầu tư có tên tuổi vì các doanh nghiệp nhỏ thường không dám tiến ra bên ngoài.

Bà Somhatai cho biết, mặc dù có mặt từ rất sớm nhưng giờ đây Amata không còn là ưu tiên hàng đầu trong khu vực phía Nam. Trong khi đó, khi đầu tư ra Quảng Ninh ở phía Bắc, tiến độ thực hiện dự án nhanh hơn nhiều, chính quyền rất sẵn sàng trong việc hợp tác vì nhận thấy được những tiềm năng mà Amata mang lại.

Mỗi khách hàng là một đại sứ 1
Khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai

Amata đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên với dự án khu công nghiệp Biên Hòa với tổng diện tích 700ha, thu hút hơn 160 nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 2,66 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 49.000 lao động.

Do nhu cầu phát triển trong khi diện tích đất còn lại quá hạn hẹp, Amata đã xin cấp phép để tiếp tục xây dựng dự án khu đô thị Long Thành (Đồng Nai) tổng diện tích 1.270ha với sự kết hợp của khu công nghiệp công nghệ cao và đô thị.

Nối tiếp sự thành công của hai dự án liên quan đến hạ tầng khu công nghiệp và đô thị tại tỉnh Đồng Nai, Amata cũng vừa tiến hành dự án thứ ba của mình là Amata City Hạ Long với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn đầu của dự án là Khu công nghiệp Sông Khoai vừa được khởi công vào cuối tháng 12/2018, đánh dấu bước khởi đầu của tập đoàn này trong hành trình vươn ra khu vực phía Bắc của Việt Nam.

Việt Nam vẫn là nhà

Trải qua nhiều bước thăng tiến lên vị trí giám đốc và sau đó là CEO của Amata Việt Nam vào năm 2013, bà Somhatai cho biết không quá bất ngờ với quyết định này bởi lẽ bà là một trong những người năng nổ và làm việc hiệu quả nhất lúc bấy giờ.

“Tôi đã làm việc ở đây từ những ngày đầu, hiểu rất rõ thị trường Việt Nam, tôi biết được không khí làm việc, hiểu được tâm lý nhân viên và có khả năng hỗ trợ đắc lực trong công tác xúc tiến, làm việc với các cơ quan chính quyền”, bà Somhatai chia sẻ.

Tuy nhiên bà cũng thừa nhận rằng những thách thức phải đối mặt không hề ít. Làm giám đốc thì chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị, nhưng khi trở thành CEO, bà phải nỗ lực và thay đổi rất nhiều vì phải gánh vác toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

Một rào cản khác đối với bà là ngôn ngữ vì bà không hề biết tiếng Việt và nhân viên cũng không thể nói tiếng Thái. Nhưng may mắn, bà nhận thấy rằng nhân viên của mình có thể sử dụng tiếng Anh một cách thuần thục.

Ngoài ra, bà Somhatai nhấn mạnh, việc thay đổi thói quen làm theo yêu cầu mà ít khi suy nghĩ của người Việt vẫn là một quá trình gian nan. Người Việt thường có xu hướng làm chủ doanh nghiệp gia đình nên những người trong bộ máy đó cũng thường làm việc theo sự phân công thay vì làm việc theo chính sách, kế hoạch thực hiện, chiến lược và phương pháp của cả hệ thống.

Bà tìm cách khuyến khích họ làm việc theo nhóm, tự đưa ra giải pháp, chỉ ra những mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề, hậu quả sẽ ra sao nếu họ đưa ra quyết định sai lầm…

“Và tôi nhận ra rằng sau khi tôi thúc họ làm việc theo nhóm, năng suất của họ vượt khỏi mong đợi của tôi. Có thể đó là một thử thách rất lớn nhưng cũng là một điều khiến tôi tự hào”, nữ doanh nhân chia sẻ.

Bà thú nhận mong muốn đảm bảo rằng Amata phải có khả năng vận hành tốt mà không có bà. Nếu không làm được điều đó, rõ ràng công ty đang không vận hành theo hệ thống.

“Đối với tôi, điều này rất quan trọng. Hãy thử nghĩ xem tại sao lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản làm việc theo nhiệm kỳ 3 - 4 năm mà doanh nghiệp vẫn luôn phát triển mạnh. Vì họ vận hành theo hệ thống thay vì vận hành theo cá nhân. Tôi muốn công ty chúng tôi cũng phải làm được điều này”, bà Somhatai chia sẻ.

Nhưng việc này không hề dễ dàng vì người kế nhiệm của bà có thể làm tốt vận hành doanh nghiệp nhưng ở Việt Nam, việc khó khăn nhất vẫn là làm việc với chính quyền địa phương.

Dù vậy, bà Somhatai cũng bày tỏ, quyết định chuyển đến một nơi công tác mới đối với bà cũng không dễ dàng: “Việt Nam đối với tôi vẫn là nhà. Tôi hạnh phúc với những con người xung quanh, những người sẵn sàng học hỏi, lắng nghe và giúp tôi sửa sai”.

Là một nữ lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn, là vợ, là mẹ của ba người con, bà Somhatai luôn tìm cách cân bằng và giữ một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ quên cuộc gọi gia đình vào ngày chủ nhật hàng tuần cho dù đang ở đâu và làm gì.

Đối với bà, việc trở thành CEO của doanh nghiệp không quan trọng là nam hay nữ, điều quan trọng hơn hết là cần nỗ lực để duy trì và làm thật tốt vị trí đó. Sự lựa chọn lãnh đạo cho doanh nghiệp đôi khi có thể tuỳ vào tính chất của doanh nghiệp. Chẳng hạn, đối với công ty dịch vụ thì một CEO nữ có thể sẽ hợp lý, hoặc một doanh nghiệp chuyên về công nghệ thì có vẻ nam giới sẽ đảm nhiệm tốt hơn. Tuy nhiên, dù nam hay nữ, người lãnh đạo đó cần có sự hoà quyện giữa một chút mạnh mẽ của nam giới khi hướng đến các vấn đề vĩ mô cũng như biết cách quan tâm đến các tiểu tiết như tính cách của người phụ nữ.

Đối với một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ như Amata, bà Somhatai cho biết số lượng khách hàng không hề thay đổi cho dù họ có gặp phải bất cứ vấn đề gì vì họ sẽ tìm một đối tác khác để thay thế vị trí của mình. Tuy nhiên, chiến lược độc đáo để bà Somhatai vẫn làm tốt vai trò của một nữ CEO và để Amata vẫn luôn có tỷ lệ lấp đầy cao trong các dự án là nhìn nhận mỗi khách hàng là một đại sứ bằng cách luôn ở trong trái tim của họ.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng