Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đầy tham vọng

Trần Anh - 13:51, 18/03/2022

TheLEADERNhóm ngân hàng kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2022 nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm ngoái.

Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, ngân hàng VIB đã thông qua kế hoạch đầy tham vọng với lợi nhuận dự kiến 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Song song với đó, VIB cũng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Đại diện VIB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30% và có lưu ý là phụ thuộc vào room mà Ngân hàng Nhà nước cấp. Tuy nhiên mức 30% được Ngân hàng đề ra là phù hợp với năng lực phát triển, khả năng quản trị rủi ro cùng kỳ vọng ngân hàng nhà nước sẽ cấp room tín dụng. Trên thực tế, VIB có thể thực hiện cao hơn mức này, vì trong quá khứ, đã có những năm VIB tăng trưởng đến 34%.

VIB không phải là ngân hàng duy nhất đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay. Eximbank công bố kế hoạch năm 2022 với lợi nhuận trước thuế 2022 tăng 127% so với kết quả năm 2021, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng.

Tổng tài sản cuối kỳ dự kiến tăng 7,8% so với đầu năm, đạt 179.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 6,5%, mục tiêu đạt 147.600 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5%, ước đạt 131.400 tỷ đồng.

Trước đó, hoạt động kinh doanh của Eximbank không thuận lợi khi trong năm 2021, lợi nhuận ngân hàng chỉ đạt 1.200 tỷ đồng, sụt giảm 10% so với năm 2020 và thấp hơn 40% so với kế hoạch đặt ra.

Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá cao với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước, tăng trưởng tín dụng ở mức trên 20% tùy vào sự phê duyệt của NHNN, quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thương vụ bán 100% cổ phần tại công ty tài chính FCCOM dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022. Đại diện MSB cho biết thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tại nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước, dù bị kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn, mục tiêu đặt ra cũng rất khả quan. Tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo VietcomBank cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 12%, tương đương hơn 30.600 tỷ đồng, đây tiếp tục là con số lợi nhuận cao kỷ lục trong toàn hệ thống.

Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 12% (phù hợp với mức cấp của NHNN), tổng tài sản tăng 8%. Nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.

Tương tự, Vietinbank đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn với kỳ vọng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% - 20%. Với mức này lợi nhuận trước thuế kế hoạch dao động trong khoảng 19.348 - 21.107 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngân hàng ước tính kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 10% - 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%; tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5% - 10%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Dự báo bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.

Cụ thể, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao, dự kiến tăng trưởng khoảng 14%, được hỗ trợ bởi việc Việt Nam tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới. Trước đó, tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 đạt 13,53%, tập trung vào các tháng cuối năm.

Mặt khác, BSC cho rằng tỷ lệ biên lãi thuần (NIM) trong năm 2022 sẽ tăng 0,35 điểm phần trăm so với năm 2021 nhờ 3 yếu tố: do phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao; lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ; cơ cấu CASA tăng giúp ngân hàng giảm chi phí vốn.

BSC cũng đánh giá nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến của các ngân hàng do tổng thu nhập của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng. Đồng thời, nhiều ngân hàng dự kiến các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế.