Ngành thép phục hồi, Hoa Sen báo lãi 30 tỷ đồng

Dũng Phạm - 14:44, 25/12/2023

TheLEADERViệc Hoa Sen báo lãi trong báo cáo năm sau kiểm toán có thể giúp cổ phiếu HSG được xem xét cấp phép giao dịch ký quỹ trở lại trên HOSE.

Tập đoàn Hoa Sen đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất theo niên độ tài chính 2022-2023 (giai đoạn 1/10/2022 - 30/9/2023) với kết quả kinh doanh "ngược dòng thành công" từ mức lỗ ròng trong báo cáo hợp nhất bán niên trước đó.

Cụ thể, trong niên độ tài chính 2022-2023, doanh thu hợp nhất của Hoa Sen đạt 31.650 tỷ đồng, giảm 36% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng giảm mạnh 88% còn 30 tỷ đồng.

Để lội ngược dòng thành công từ mức lỗ ròng tới 680 tỷ trong quý I, HSG đã cùng lúc thực hiện đa dạng các biện pháp như chủ động cắt giảm 1.250 tỷ đồng nợ vay tài chính góp phần giảm 25% chi phí lãi vay trong kỳ, tất toán toàn bộ dư nợ USD trong bối cảnh tỷ giá tăng cao.

Đồng thời, Hoa Sen cũng quản lý hiệu quả các khoản chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí bán hàng giảm tới hơn 1.350 tỷ đồng (khoảng 35%) giúp cải thiện tích cực biên lãi ròng cho tập đoàn trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Một yếu tố quan trọng khác là sự hồi phục đáng kể của thị trường thép/tôn mạ, nhờ đó, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen đã tăng gấp gần 5-7 lần trong nhiều quý gần đây từ mức thấp ghi nhận hồi cuối năm ngoái.

Việc Hoa Sen báo lãi trong báo cáo năm sau kiểm toán có thể giúp cổ phiếu HSG được xem xét cấp phép giao dịch ký quỹ trở lại. Trước đó, cổ phiếu này đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đánh giá không đủ điều kiện vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên bị âm (lỗ ròng 430 tỷ đồng)

Đầu năm nay, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào ngày 10/3, HĐQT Hoa Sen đã đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.

Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Kịch bản thứ hai, tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, dù báo cáo mới công bố cho thấy sự hồi phục tích cực nhưng Hoa Sen vẫn không thể hoàn thành cả hai kịch bản đã đề ra cho năm tài chính 2022-2023.

Tập đoàn Hoa Sen lãi hợp nhất 30 tỷ đồng niên độ 2023, duy trì đà phục hồi

Bên cạnh đó, trong báo cáo được công ty chứng khoán Shinhan công bố gần đây, giá thép dự kiến phục hồi nhờ gói hỗ trợ và hạn chế sản xuất của Trung Quốc. 

Theo đó, nước này vừa phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này góp phần hỗ trợ tích cực cho nhu cầu thép tại thị trường Trung Quốc, nơi chiếm hơn 50% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.

Các nhà sản xuất thép của Trung Quốc cũng tự cắt giảm sản lượng sản xuất trong Q4/2023 trước bối cảnh giá thép duy trì ở mức thấp trong năm 2023. Giá thép HRC đã tăng 4% kể tức mức đáy trong tháng 10/2023 qua đó góp phần cải thiện doanh thu biên lợi nhuận gộp cho Hoa Sen.

Ngoài ra, theo công ty chứng khoán BSC, đơn vị này cũng kỳ vọng giá bán tôn mạ của Hoa Sen sẽ tăng 6% trong năm 2024 do giá thép HRC Trung Quốc đã bắt đầu trở lại điểm cân bằng từ tháng 11 và giá thép Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Cũng theo BSC, nhu cầu nội địa sẽ phục hồi chậm kể từ năm 2024 và Hoa Sen sẽ là doanh nghiệp tôn mạ phục hồi đầu tiên nhờ sở hữu hệ thống đại lý lớn, có thị phần đứng đầu cả nước.