‘Nghề bền vững’: Lựa chọn của sự bền bỉ và trái tim ấm áp

Phạm Sơn - 14:05, 29/09/2023

TheLEADERNgười làm công việc phát triển bền vững không chỉ đòi hỏi kiến thức đa ngành, kỹ năng làm việc với con người, năng lực quản lý dự án, mà còn cần có một trái tim ấm áp để lan tỏa những giá trị tích cực.

Phát triển bền vững đã trở thành yếu tố mang tính sống còn đối với doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi tinh thần, tư duy cũng như các kỹ năng phát triển bền vững được thấm nhuần trong doanh nghiệp, từ những vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao cho đến toàn thể đội ngũ nhân viên.

Từng phụ trách vị trí quản lý cấp cao tại nhiều doanh nghiệp theo đuổi con đường phát triển bền vững, ông Bùi Khánh Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), có những cảm nhận sâu sắc sự thay đổi của nhu cầu cũng như yêu cầu về việc làm trong lĩnh vực phát triển bền vững suốt 20 năm qua.

Những cảm nhận ấy, kèm theo một vài gợi mở đáng quý cho những bạn trẻ mong muốn theo đuổi “nghề bền vững” được ông Nguyên chia sẻ qua câu chuyện với TheLEADER.

Từng đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao về truyền thông và phát triển bền vững tại các công ty lớn, ông có nhận xét gì về nhu cầu của doanh nghiệp về các kỹ năng liên quan đến phát triển bền vững của đội ngũ nhân sự trong bối cảnh hiện nay? Nhu cầu này đã thay đổi thế nào trong những năm gần đây?

Ông Bùi Khánh Nguyên: Hơn 20 năm qua, tôi nhận thấy phát triển bền vững ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp.

Thật ra, phát triển bền vững đã được đưa vào các hoạt động của doanh nghiệp từ rất sớm. Những năm đầu 2000, phát triển bền vững được thể hiện dưới khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), thậm chí thông qua hoạt động cụ thể như là thiện nguyện.

Tuy nhiên, phát triển bền vững lúc ấy chưa được coi là một chiến lược bao trùm mọi khía cạnh trong hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp.

‘Nghề bền vững’: Lựa chọn của sự bền bỉ và trái tim ấm áp
Ông Bùi Khánh Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD).

Đến nay, câu chuyện đã khác. Phát triển bền vững đã trở thành một yêu cầu mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp và tổ chức. Từ đó, nhu cầu về đội ngũ chuyên trách phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững cũng tăng lên rất nhanh.

Một số công ty có nhân sự phụ trách phát triển bền vững nằm trong biên chế của các phòng ban như đối ngoại, truyền thông, quan hệ công chúng… nhưng không ít doanh nghiệp đã thành lập bộ phận phát triển bền vững riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất.

Sự chuyên môn hóa cho phép hoạt động phát triển bền vững trở nên có chiều sâu, có chiến lược, mục tiêu lâu dài, bài bản hơn so với trước đây.

Xu thế phát triển bền vững mở ra cơ hội cho các bạn trẻ có đam mê trong lĩnh vực xã hội, môi trường. Không chỉ góp sức cho một doanh nghiệp trở lên tốt hơn, các bạn trẻ cũng có cơ hội đóng góp vào sự thịnh vượng bền lâu của Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Đội ngũ nhân sự đang phải thích ứng với những yêu cầu mới ấy như thế nào? Bản thân ông có phải tự điều chỉnh gì sau nhiều năm làm việc để theo kịp xu thế phát triển bền vững?

Ông Bùi Khánh Nguyên: Bản thân tôi từng thực hiện luận văn thạc sĩ nghiên cứu về hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, khi nhìn lại, tôi nhận thấy mọi thứ đã thay đổi rất nhanh so với cách đây 10 năm, đòi hỏi tôi phải nỗ lực để học thêm điều mới mỗi ngày.

Làm việc trong lĩnh vực phát triển bền vững, các bạn trẻ không chỉ góp sức cho một doanh nghiệp trở lên tốt hơn mà còn có cơ hội đóng góp vào sự thịnh vượng bền lâu của Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Vì vậy, tôi tin rằng nhân sự trong lĩnh vực phát triển bền vững phải cập nhật mỗi ngày, và phải liên tục học hỏi, học từ tài liệu, từ công ty, từ case study (nghiên cứu điển hình) và từ các đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài tổ chức nữa.

Thật ra, theo tôi, bất cứ ai, dù là nhà chính sách, doanh nhân, học giả cho đến người dân, người tiêu dùng bình thường… đều sẽ cảm thấy phát triển bền vững như một điều gì đó đã hiện hữu một cách rõ ràng trong đời sống. Sự bền vững bao trùm tất cả các khía cạnh, lĩnh vực và chúng ta đều mong muốn hướng đến để có một cuộc sống tốt hơn.

Điều đó dẫn đến một điều thú vị là khi tất cả đều có một mối quan tâm chung là phát triển bền vững, những đối thủ cạnh tranh của nhau cũng sẵn sàng trở thành đối tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để cùng thúc đẩy mục tiêu chung đầy nhân văn và tốt đẹp.

Đó cũng chính là lợi thế cho người làm nghề phát triển bền vững. Bởi khi tham gia vào lĩnh vực này, bạn sẽ trở thành một phần của một cộng đồng rất lớn, xuyên ngành, xuyên quốc gia.

Lợi thế này lại đặt ra yêu cầu người làm về phát triển bền vững cần phải có kiến thức và tư duy mang tính đa ngành, kết hợp với những kỹ năng về làm việc với con người hay năng lực quản lý dự án.

Ngoài ra, tôi tin rằng những người làm về phát triển bền vững cũng cần phải có một trái tim ấm áp. Những giá trị tích cực về sự bền vững sẽ được xuất phát từ trái tim!

Một nghiên cứu mới đây của ManpowerGroup Việt Nam chỉ ra rằng, việc làm “xanh” sẽ là xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Bùi Khánh Nguyên: Như tôi nói, phát triển bền vững đã trở thành một yếu tố không chỉ mang tính sống còn đối với doanh nghiệp mà còn hiện hữu trong đời sống.

Lấy ví dụ như trụ cột môi trường, một phần rất quan trọng của phát triển bền vững. Chúng ta thấy rằng, hiện nay mỗi cá nhân đang bắt đầu thực hành những thói quen “sống xanh” như tiết kiệm điện, nước, thực hành lối sống giản dị hay đi du lịch một cách có trách nhiệm, tránh “làm phiền” thiên nhiên.

Các tổ chức, doanh nghiệp đang bắt đầu quan tâm và nỗ lực cải thiện những chỉ số như tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế bao bì, tiết kiệm nước, nguyên vật liệu, giảm phát thải carbon hay sử dụng sản phẩm, vật liệu thân thiện hơn với môi trường.

Đất nước Việt Nam vẫn đang phát triển nhưng chúng ta không cần đợi tới khi giàu mới chuyển sang “sống xanh”. Những cam kết mạnh mẽ, những chương trình, dự án của Chính phủ và sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp thời gian gần đây cho thấy môi trường luôn là trụ cột quan trọng mà chúng ta phải đảm bảo để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ mỗi cá nhân tới mỗi tổ chức, doanh nghiệp và cả đất nước đều phải chuyển mình theo hướng bền vững nên tất nhiên việc làm xanh, bền vững sẽ là một xu thế tất yếu.

‘Nghề bền vững’: Lựa chọn của sự bền bỉ và trái tim ấm áp 2
Việc làm xanh, bền vững sẽ trở thành xu thế tất yếu. Ảnh: Hoàng Anh.

Tuy nhiên, có một thực trạng là hiện nay các chương trình giáo dục vẫn chưa thực sự chú trọng yếu tố bền vững trong nội dung giảng dạy. Liệu đây có phải là một điều bất lợi cho đội ngũ nhân sự trẻ của Việt Nam trong tương lai và liệu chúng ta có cần phải bổ sung thêm những học phần, nội dung về phát triển bền vững vào chương trình học, ngay từ bậc phổ thông?

Ông Bùi Khánh Nguyên: Hiện nay, các chương trình đào tạo đã bắt đầu chú trọng nội dung phát triển bền vững. Lấy đơn cử như các chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) là chương trình đào tạo ra những nhà quản trị doanh nghiệp, hiện cũng lồng ghép hoặc thậm chí là có nguyên một học phần về phát triển bền vững.

Từ đó, nhà quản trị, nhà lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ được trang bị kiến thức để có thể ý thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và đưa phát triển bền vững vào chiến lược của doanh nghiệp, tổ chức, hoặc ít nhất là dành sự ủng hộ, tin tưởng cho bộ phận phát triển bền vững.

Hay như tại Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện tại cũng đã có chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về sự phát triển bền vững.

Phát triển bền vững cần sự kết nối tri thức của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn, cũng như đòi hỏi sự kết nối, hợp tác của những người có chuyên môn khác nhau. Bản chất của sự phát triển bền vững mang tính liên ngành, với trụ cột về hành tinh, con người, những khái niệm như công bằng, bình đẳng, đa dạng, bao dung…, đều rất mới nhưng cũng rất thiết yếu cho từng tổ chức và doanh nghiệp.

Vì vậy, tôi mong rằng có thêm nhiều chương trình đào tạo về phát triển bền vững, không phải chỉ giáo dục bậc cao mà ngay từ những cấp học phổ thông.

Nhân sự dù được đào tạo bất cứ chuyên ngành nào cũng có thể tham gia vào lĩnh vực phát triển bền vững, miễn là có sự đam mê và sự quan tâm đủ lớn.

Một số chương trình phổ thông quốc tế có những môn học liên quan trực tiếp tới phát triển bền vững. Tôi lấy ví dụ như chương trình Tú tài quốc tế (IB) cấp trung học đã bao gồm học phần bắt buộc “Sáng tạo - Hành động - Phục vụ” (CAS), yêu cầu học sinh đảm nhận công việc trong hoạt động, dự án cộng đồng.

Theo tôi, những môn học như vậy thể hiện rõ sự tiến bộ, và rất quan trọng để giúp đào tạo ra những công dân quốc gia và công dân toàn cầu tương lai sớm có tư duy, nhận thức đúng đắn về vai trò của mình trong cộng đồng và trong thế giới này. Học những điều đó chính là “học để cùng chung sống”, một điều rất khó nhưng thiết yếu cho mỗi con người, và cũng nằm trong số bốn trụ cột giáo dục theo UNESCO.

Kiến thức, trải nghiệm là rất quan trọng nhưng có lẽ người làm nghề bền vững cũng cần thêm những phẩm chất khác, thưa ông?

Ông Bùi Khánh Nguyên: Ở Việt Nam, không phải ai cũng được học về phát triển bền vững. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhân sự dù được đào tạo bất cứ chuyên ngành nào cũng có thể tham gia vào lĩnh vực phát triển bền vững, miễn là có sự đam mê và sự quan tâm đủ lớn.

Khái niệm bền vững cũng bao hàm cả ý nghĩa của sự bền bỉ. Đó là tố chất cần thiết để theo đuổi lĩnh vực này, bởi phát triển bền vững cần sự cam kết lâu dài. Có những dự án liên quan đến phát triển bền vững phải mất hàng chục năm mới có thể nhìn thấy thành quả nên không bền bỉ thì sẽ sớm nản lòng.

Bởi vậy, tôi muốn gửi tới các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực phát triển bền vững một câu nói nổi tiếng: “Con đường ngàn dặm bắt đầu với một bước chân”!

Ông Bùi Khánh Nguyên hiện là Phó tổng giám đốc Công ty Coca-cola Việt Nam, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI). Ông Nguyên từng là quản lý cấp cao về truyền thông và phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, ông Nguyên được biết đến là một chuyên gia độc lập và diễn giả về giáo dục. Ông xuất hiện nhiều trên báo chí để bình luận về các vấn đề liên quan đến đảm bảo môi trường học an toàn, sáng tạo, giúp học sinh được phát triển một cách lành mạnh và phát huy tối đa tiềm năng.