Nghịch lý phát triển công trình xanh ở Việt Nam

An Chi - 12:50, 09/09/2017

TheLEADERNhững cách hiểu sai lệch về khái niệm công trình xanh, thiếu chính sách hỗ trợ... đã khiến cho việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam hiện còn rất thiếu hiệu quả.

Nghịch lý phát triển công trình xanh ở Việt Nam
Việt Nam còn quá ít công trình đạt chuẩn xanh. Ảnh minh họa

"Chúng ta đang hiểu sai lệch khái niệm công trình xanh"

Sáng nay 9/9, Hội thảo "Phát triển công trình xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại khách sạn Sài Gòn Prince (quận 1, TP. HCM).

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu chiếm tới 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên gây ra. Do đó, hành động của chúng ta sẽ góp phần quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu". 

Trong tổng thể các hoạt động chống biến đổi khí hậu; có thể nói, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn của đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường bất động sản, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển kiến trúc xanh, xây dựng xanh nhằm tạo lập những công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Việc tạo lập một thị trường bất động sản xanh đang là mục tiêu, định hướng phát triển của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, ông Nam nhận định.

Về vấn đề này, theo ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Công ty CP Đầu tư và thương mại Thủ Đô (Capital House) cũng cho biết, tại Việt Nam, phần lớn chủ đầu tư, người mua nhà, các sàn giao dịch bất động sản đang hiểu khá sai lệch khái niệm công trình xanh.

Cách hiểu sai thứ nhất là hiểu công trình xanh chỉ đơn giản là nhiều cây xanh. Nhiều cây xanh không phải sai, nhưng nó chỉ là một trong những yếu tố góp phần xanh hoá công trình. Cây xanh đem lại bóng mát và bầu không khí trong lành, vô cùng có tác dụng trong việc điều hoà không khí trong không gian công trình. Tuy nhiên “xanh” không chỉ đơn giản là như vậy.

Cách hiểu sai thứ hai là công trình xanh vô cùng đắt đỏ và chỉ có những toà nhà hạng sang mới có khả năng đạt chuẩn công trình xanh. Rất nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng công trình xanh sẽ có mức chi phí cao hơn 10 - 30% công trình thường. Điều này là một rào cản không nhỏ cho việc xanh hoá các công trình tại Việt Nam.

Do sự hiểu chưa đúng này, công trình xanh ở Việt Nam nói chung đang phát triển hết sức chậm chạp, không tương xứng với tiềm năng của ngành xây dựng, ông Bách nhận định.

Mặt khác, thực tế tại Việt Nam hiện nay, đa số các giải pháp công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp, nơi khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn để có được chất lượng sống tốt hơn, trong lành hơn. Trong khi đó, phân khúc nhà giá thấp và trung bình mới là khu vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, trong khi khả năng chi trả của người dân lại hạn chế hơn so với các phân khúc trên.

Thực tế, đầu tư công trình xanh đòi hỏi suất đầu tư cao hơn, vì vậy trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình rất hiếm chủ đầu tư quan tâm tới vấn đề này, mặc dù đây là phân khúc tiêu tốn nhiều năng lượng nhất và ảnh hưởng tới môi trường nhiều nhất. Vi vậy, xu thế phát triển công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là một nhu cầu bức thiết tại Việt Nam hiện nay, ông Bách phân tích.

Theo Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam đưa số liệu, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng.

Các chủ đầu tư vẫn "e dè" cho thiếu chính sách hỗ trợ

Đặt vấn đề về phát triển công trình xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, trong khi có đến hơn 36.000 dự án thương mại và trên 38.000 công trình nhà ở trên Thế giới đạt chuẩn xanh, thì ở Việt Nam, có chưa đến 100 công trình xanh đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau, con số này quá thấp so với hơn 2.100 dự án tại Singapore và hơn 750 công trình xanh tại Úc (theo VGBC).

Mặc dù được phổ biến khá rộng rãi trên thị trường, nhưng việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn một số rào cản nhất định do nhận thức về lợi ích của công trình xanh chưa thật sự đúng và đủ. Động lực tham gia phát triển công trình xanh tại Việt Nam đa phần dựa vào nhận thức trách nhiệm xã hội và nhu cầu giảm thiểu chi phí vận hành của doanh nghiệp, đặc biệt là từ nhận thức nghiêm túc và quan tâm đúng mức của các chủ đầu tư nước ngoài như BigC, Intel, Coca-Cola, Dell, … 

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang. Ảnh Reatimes

Riêng đối với các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án trong nước thì vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu hay quy trình chất lượng được thực thi và giám sát chặt chẽ nên từ đó làm thời gian thi công công trình kéo dài, kéo theo việc giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tâm lý của người mua nhà của Việt Nam cũng còn thói quen lựa chọn giá thành làm tiêu chí quan trọng trong lựa chọn sản phẩm an cư hay đầu tư. Yếu tố lợi ích lâu dài, tiết kiệm và tính bền vững của công trình, tăng chỉ số sức khỏe, chỉ số hạnh phúc đối với phần lớn cộng đồng còn rất ít thông tin và kém quan tâm.

Để hiện thực hóa giấc mơ về một đất nước được xanh hóa bởi hầu hết công trình xanh, bà Mẫu cho rằng, các sở ban ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần có các biện pháp hỗ trợ phát triển công trình xanh tại Việt Nam như ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh, xây dựng chính sách ưu đãi về nhiều mặt cho các nhà đầu tư tham gia phát triển công trình xanh. Cụ thể như ưu đãi về thuế, các thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch, ưu đãi về đơn giá thiết kế và xây dựng công trình xanh.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng cần mạnh dạn tham gia phát triển công trình xanh. Bởi đây là một trong những cách nâng cao uy tín và thương hiệu chủ đầu tư trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng về nhà ở ngày càng cao và thiết thực hơn.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Tùng Bách cũng cho rằng, để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, từ quỹ đất, từ ưu đãi cho nhà phát triển… Về dài hạn, cần thành lập các ủy ban hoặc hội đồng nhà ở, theo mô hình công ty, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật của thị trường.