Nhà thầu xây dựng chật vật đòi nợ

An Chi - 13:45, 22/07/2023

TheLEADERCác doanh nghiệp hiện nay nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn một phần do hệ lụy từ thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn khác, đặc biệt là khi kênh huy động vốn tín dụng chưa được nới room và thị trường trái phiếu bị thắt chặt.

Nhà thầu xây dựng chật vật đòi nợ
Ngành xây dựng đối diện với tình trạng nợ đọng vòng quanh. Ảnh: Hoàng Anh

Doanh nghiệp cạn dòng tiền

Công ty TNHH Việt Đức mới đây cho biết đang bị Công ty CP Xây dựng số 9 (Vinaconex 9 - VC9) nợ tiền cung cấp nguyên vật liệu bê tông trong suốt nhiều năm qua. 

Với bốn công trình là Khu nhà xưởng E6, E7 Nhà máy Goertek - Khu công nghiệp Quế Võ; khối hầm CT30 tháp A1, A2 - khu căn hộ Vịnh Thuỷ; công trình An Hưng và Nhà máy Fuyu - Khu công nghiệp Quang Châu, Vinaconex 9 đang nợ Công ty TNHH Việt Đức 6,3 tỷ đồng. Trong đó, có những khoản nợ đã kéo dài gần 6 năm. 

Điều đáng nói, theo tiết lộ của Công ty TNHH Việt Đức, các dự án mà Việt Đức cung cấp bê tông cho VC9 đều đã được các chủ đầu tư thanh toán nhưng công ty này vẫn chưa thực hiện việc trả nợ.

Đại diện công ty cho biết, các khoản nợ đọng kéo dài đã khiến doanh nghiệp này gặp khó khăn rất lớn, không chỉ thiệt hại về mặt tài chính mà còn gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cam kết thanh toán với các đối tác khác. Sau nhiều nhiều lần làm việc, đàm phán, hiện khoản nợ này vẫn chưa biết đến khi nào mới có thể đòi lại.

Đây là chỉ là một trong rất nhiều công ty ngành xây dựng đang gặp khó khăn của thị trường. Khi các chủ đầu tư gặp khó, các doanh nghiệp nhà thầu, cung cấp vật liệu cũng khốn đốn vì các khoản nợ khó đòi. Không ít doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm lương, nhân sự để duy trì nguồn lực, vượt qua khủng hoảng. 

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế cảnh quan và thi công công trình khác cũng cho biết, từ cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã gần như cạn kiệt dòng tiền khi các khoản thanh toán từ chủ đầu tư bị chậm, kéo dài, thậm chí không biết đến khi nào mới đòi được. 

Kế hoạch năm 2023 của doanh nghiệp chỉ tập trung đòi nợ, hạn chế nhận thêm các dự án mới, đặc biệt là các dự án của chủ đầu tư thiếu uy tín, đang gặp khó khăn về tài chính.

Trước đó, theo tiết lộ từ ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), hiện 100% doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng. Thậm chí, có những doanh nghiệp số nợ phải thu vượt xa vốn chủ sở hữu. Điển hình như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, vốn chủ sở hữu đăng ký 800 tỷ đồng nhưng tính đến 31/3/2022, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỷ đồng.

Hay Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2022, vốn chủ sở hữu 1.078 tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ đọng hơn 3.600 tỷ đồng và phải dự phòng nợ khó đòi gần 1.190 tỷ đồng.

Theo nhiều lãnh đạo công ty, nguyên nhân chính khiến họ gặp khó khăn là do không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản. Nhiều chủ đầu tư bất động sản đề nghị trả nợ bằng sản phẩm, dự án, thiết bị xây dựng. Tuy nhiên, việc này là không khả thi, bởi các doanh nghiệp đều đang cạn dòng tiền, họ cần tiền ngay để duy trì hoạt động.

Mặt khác, với thanh khoản thị trường trầm lắng, dù có nhận sản phẩm là bất động sản về, cũng chưa thể bán ngay để có thanh khoản. Doanh nghiệp đang khó khăn lại phải đi lo bán sản phẩm, khó càng chồng thêm khó.

Cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp

Thực tế, tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp đang diễn ra khá phổ biến trong ngành xây dựng, bất động sản. Số liệu của VACC cũng cho thấy, trong 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước, 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500 - 1.000 tỷ đồng. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm chung là tất cả doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, ít cũng từ 30 đến 50 tỷ đồng, nhiều có khi đến vài nghìn tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thực trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau đang diễn ra rất nghiêm trọng, hiện tượng đọng vốn tại doanh nghiệp là vấn đề rất nhức nhối hiện nay. 

Đáng chú ý, trong khó khăn nhiều doanh nghiệp đã coi chiếm dụng vốn, nợ lẫn nhau là một trong những biện pháp tình thế để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, điều này lại khiến các doanh nghiệp "bị nợ" lâm vào khó khăn rất lớn. 

Dẫn chứng tại Vinaconex 9 cho thấy, sau gần một năm về tay Công ty CP Đầu tư và xây dựng TNG, bức tranh kinh doanh của VC9 chưa được cải thiện. Trong quý đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu 16,5 tỷ đồng, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 101 triệu đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nợ phải trả của VC9 lên tới hơn 1.070 tỷ đồng, cao gấp 93 lần vốn chủ sở hữu.

Trước thực trạng nợ đọng nhức nhối như hiện nay, theo ông Hiệp, hiện chưa có các cơ chế pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp trong những trường hợp không đòi được công nợ. Nếu phải kiện ra toà án dân sự, vụ việc có thể kéo dài vài năm liền, chi phí về thời gian, tiền bạc và công sức mà doanh nghiệp phải bỏ ra là không nhỏ.

Trước tình cảnh khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành, ông Hiệp kiến nghị Chính phủ cần cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản.

Mặt khác, có thể thấy, việc các doanh nghiệp hiện nay nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn, một phần do hệ lụy từ việc thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn khác, đặc biệt là khi kênh huy động vốn tín dụng chưa được “nới” room và thị trường trái phiếu bị thắt chặt.

Chính vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là về vấn đề nguồn vốn và pháp lý. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý, triển khai dự án và đưa sản phẩm ra thị trường. 

Thị trường bất động sản hồi phục và phát triển sẽ giúp khôi phục toàn bộ hệ sinh thái của ngành bao gồm từ xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, kiến trúc. Qua đó, các khó khăn của doanh nghiệp trong ngành sẽ được từng bước giải quyết.