Những ‘Don Quijote’ đưa nghiên cứu từ ngăn kéo ra thị trường

Phạm Sơn - 09:24, 07/05/2022

TheLEADERTS. Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc BK Holdings, tự ví đội ngũ Lab2Market như những Don Quijote, tiên phong dấn thân vào cuộc phiêu lưu với những khó khăn, thách thức không thể lường trước để đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra tới thị trường.

Những ‘Don Quijote’ đưa nghiên cứu từ ngăn kéo ra thị trường
Đội ngũ chương trình Lab2Market mùa 1.

Là một nhà khoa học, sáng chế, ông Đỗ Đức Thắng đánh giá rất cao giá trị của tài sản trí tuệ trong xã hội cũng như nền kinh tế. Thông qua khoa học, công nghệ, nhiều vấn đề nan giải trong đời sống từng bước được con người giải quyết, có thể thấy rõ qua đại dịch Covid-19 vừa qua.

Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng trống khó có thể lấp đầy giữa thị trường với phòng thí nghiệm. Nhiều nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, có tiềm năng tạo ra những giải pháp đột phá, tuy nhiên vẫn chỉ ở trên lý thuyết, chưa từng được ứng dụng trong thực tế.

Thực tế, hơn 40 bằng sáng chế của ông Thắng dù đã chứng minh được tính hiệu quả nhưng đã nằm trên giấy suốt hơn 20 năm, rất khó để đạt đến quy mô sản xuất công nghiệp. Mãi cho tới gần đây, một tập đoàn mới nhận ra tiềm năng của những sáng chế đó và mời ông Thắng về làm việc, cùng triển khai các giải pháp mới.

Nỗi trăn trở về khoảng trống ấy đã thôi thúc đội ngũ BK Holdings, phối hợp với Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK FUND), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP) triển khai chương trình ươm tạo đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường (Lab2Market). Đây là chương trình ươm tạo đầu tiên ở Việt Nam với sứ mệnh thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học hàng đầu trong trường đại học ở Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

Nhìn lại quá trình hơn 12 tháng đồng hành cùng các nhóm nghiên cứu của Lab2Market mùa 1, TS. Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc BK Holdings, cho biết, đây là chương trình rất khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều so với việc ươm tạo những startup thông thường.

Thách thức của Lab2Market đầu tiên đến từ chính tư duy của các trường đại học khi “đâu đó vẫn chỉ chú trọng vào đào tạo”. Một số trường đại học ở Việt Nam có chú trọng mảng nghiên cứu nhưng rất ít quan tâm đến đổi mới sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, dẫn đến tình trạng “nghiên cứu xong đút vào ngăn kéo”.

Chính từ việc không chú trọng đổi mới sáng tạo và thương mại hóa, các trường đại học hầu như không có những bộ phận chuyên nghiệp để chăm lo công tác này. Mặt khác, kêu gọi tài chính cho các dự án tương đối khó khăn, rất ít đơn vị chịu đồng hành, hỗ trợ trong giai đoạn “thung lũng chết”, khi các dự án chưa làm được sản phẩm mẫu.

Một thách thức khác phải kể đến là sự khác biệt về tinh thần khởi nghiệp của nhà khoa học, so với các bạn trẻ. Ông Dũng cho biết, nếu như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với tâm thế “sống chết với startup”, các nhà khoa học vẫn còn dè chừng vì họ có “đường lùi”, là công việc nghiên cứu, giảng dạy vẫn mang lại mức thu nhập nhất định.

“Chúng tôi như những Don Quijote khi tiên phong trong cuộc phiêu lưu với những thách thức chưa thể lường trước”, ông Dũng nhận định.

May mắn, thành quả của Lab2Market mùa 1 không “viển vông” như câu chuyện của Don Quijote. Kết thúc chặng đường đầu tiên, 12 nhóm nghiên cứu đồng hành, 6 nhóm bước vào vòng ươm tạo thứ 2, 80% nhóm nghiên cứu đăng ký sở hữu trí tuệ, 50% đăng ký thành lập doanh nghiệp là kết quả mà đội ngũ Lab2Market đạt được.

Lý giải về thành công của Lab2Market mùa 1, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc NSSC, nhận xét, BK Holdings cũng như đội ngũ thực hiện chương trình đã rất tinh tế và nhạy bén khi chọn ra những “đề bài” sát với thị trường, những mảng miếng còn thiếu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Nói về Lab2Market, chị Jen Vũ Hường, quản lý chương trình, cho biết, chương trình hướng đến yếu tố cốt lõi là tạo ra một hệ sinh thái, với những nguồn lực và kết nối giữa các bên liên quan. Đây là nền tảng để các nhóm nghiên cứu có thể tiếp tục vững bước ngay cả sau khi chương trình kết thúc, theo đúng tinh thần “đồng hành chứ không đi hộ”.

Bên cạnh chung tay, hỗ trợ từ phía ban tổ chức, sự cam kết của các nhóm nghiên cứu cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên thành công bước đầu của Lab2Market mùa 1.

Là nhà khoa học tham gia vào chương trình, ông Thắng ví Lab2Market như những “đốm sáng” để thắp lên ngọn lửa thương mại hóa tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, khoảng trống giữa phòng thí nghiệm và thị trường vẫn còn rất lớn, cần thêm nhiều sự chung tay, nỗ lực từ nhiều bên liên quan nữa để lấp đầy.