Đại học sáng nghiệp: Mảnh ghép còn thiếu cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phạm Sơn - 16:33, 27/03/2022

TheLEADERTrong bối cảnh hiện nay, các trường đại học không chỉ cần làm tốt nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu mà phải trở thành cầu nối giữa học thuật và thực tế, dẫn dắt hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2011, dự án xây dựng trung tâm khởi nghiệp Block 71 được thành lập dưới sự hợp tác của Đại học Quốc gia Singapore, Cơ quan phát triển truyền thông Singapore cùng một số doanh nghiệp.

Trải qua 10 năm hoạt động, Block 71 trở thành biểu tượng khởi nghiệp của Singapore khi là không gian sáng tạo đã ươm tạo ra 65% startup thành công nhất quốc gia phát triển hàng đầu Đông Nam Á này.

Đại học sáng nghiệp: Mảnh ghép còn thiếu cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở

Bình luận về sự thành công của dự án Block 71, TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK Holdings) cho biết, dự án này đã ứng dụng một mô hình cốt lõi trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là mô hình mang tên “triple helix”.

Mô hình này kết hợp được “3 nhà” là nhà nước, doanh nghiệp cùng nhà trường. Trong đó, vai trò của nhà nước và doanh nghiệp đối với đổi mới sáng tạo đã được nhìn nhận, đánh giá hết sức rõ ràng, còn vai trò của nhà trường dường như đang hơi mờ nhạt

Thách thức về tư duy

Giám đốc BK Holdings nhận xét, các trường đại học có 3 nhiệm vụ mang tính trụ cột bao gồm đào tạo; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trong đó, đa phần các trường đại học chỉ tập trung vào nhiệm vụ đào tạo, cao cấp hơn thì đẩy mạnh phần nghiên cứu còn nhiệm vụ đổi mới sáng tạo mới được quan tâm nhiều hơn vào những năm gần đây.

Các trường đại học top đầu trên thế giới như Cambridge, Oxford, KU Leuven… đều đang tập trung vào việc khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy và dẫn dắt đổi mới sáng tạo, trở thành những mô hình trường đại học sáng nghiệp.

Ông Dũng nhận định, đây là hướng đi đúng đắn và cần thiết của trường đại học. Nếu nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu nhằm tạo ra giá vị về học thuật, tạo ra những công trình khoa học thì nhiệm vụ khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chính là cầu nối giúp đưa những vấn đề học thuật, công trình khoa học ấy đến với thực tiễn, giải quyết những “nỗi đau” của xã hội.

Đại học sáng nghiệp: Mảnh ghép còn thiếu cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở 1
TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holdings chia sẻ về mô hình đại học sáng nghiệp.

Tuy nhiên, để các trường đại học triển khai thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là điều đơn giản. Có nhiều thời gian cùng BK Holdings tham gia hỗ trợ mô hình khởi nghiệp cho các trường đại học, ông Dũng chỉ ra nhiều điểm khó khăn, thách thức. Đó là những trở ngại về trình độ khoa học công nghệ chưa cao hay sự thiếu sót về nguồn lực tài chính, con người, cơ sở vật chất.

Theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất nằm ở yếu tố tư duy khi nhiều trường đại học vẫn chỉ chú trọng vào đào tạo, vẫn chỉ “làm sao để tuyển sinh thật nhiều”, hoặc cùng lắm là tập trung đẩy mạnh mảng nghiên cứu.

Mặt khác, một số trường khi bắt đầu công tác khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lại muốn đi thật nhanh, có được hiệu quả nhanh chóng. Đây là một điều “không tưởng” vì chiến lược về phát triển đổi mới sáng tạo là một hoạt động mang tính dài hơi.

Lấy ví dụ như trường KU Leuven là trường đại học đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Âu, triển khai mô hình đổi mới sáng tạo trong trường đại học cũng phải mất đến 10 năm mới có kết quả đầu tiên.

Vấn đề tư duy là thách thức lớn hơn cả khó khăn về tài chính. “Dù yếu tố tài chính cũng rất quan trọng nhưng nếu giải quyết được khâu tư duy, nhà trường có được chiến lược đầu tư dài hạn, đúng đắn thì việc phát triển mô hình đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ thành công”, ông Dũng nhấn mạnh.

Yếu tố tạo thành công cho đại học sáng nghiệp

Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều trường đại học, chủ yếu tập trung đi sâu vào các lĩnh vực riêng nhất định như khoa học kỹ thuật; kinh tế; chính trị; nghệ thuật… Tùy thuộc vào lĩnh vực đào tạo cũng như điều kiện riêng của từng trường, có thể lựa chọn những mô hình khác nhau để áp dụng mô hình đổi mới sáng tạo trong trường đại học.

Theo ông Dũng, có 3 trường phái phổ biến, bao gồm tích hợp bộ phận đổi mới sáng tạo vào phòng ban quản lý của nhà trường; mô hình pháp nhân đứng ngoài nhà trường và xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo không chỉ phục vụ riêng nhà trường mà còn kết nối với các trường đại học khác. Trong đó, trường phái thứ 3 đang được Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng với sự thành lập của BK Holdings.

Tuy nhiên, dù đi theo trường phái, lựa chọn mô hình nào cũng cần một số yếu tố nhất định để đảm bảo sự thành công cho việc phát triển đổi mới sáng tạo trong trường đại học.

Đầu tiên là số lượng và chất lượng của các công trình nghiên cứu khoa học. Các trường đại học nếu chỉ tập trung vào tuyển sinh và giảng dạy, rõ ràng sẽ không thể có nền tảng vững chăc như những trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu.

Thứ hai là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Theo lãnh đạo BK Holdings, nhiều trường đại học hiện nay mới chỉ đưa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào những hoạt động mang tính phong trào như tổ chức cuộc thi, tổ chức diễn thuyết… trong khi nếu muốn trở thành đại học sáng nghiệp, cần có đầy đủ một hệ sinh thái từ khâu hình thành ý tưởng, tạo sản phẩm mẫu, minh chứng thị trường cho tới ươm tạo, kêu gọi đầu tư và thành lập doanh nghiệp.

Thứ ba là cam kết dài hạn của lãnh đạo nhà trường, đưa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào chiến lược mục tiêu thay vì những tư duy mang tính ngắn hạn, nhiệm kỳ. Thứ tư là vấn đề tài chính để đầu tư vào cơ sở vật chất cho trung tâm đổi mới sáng tạo hay phòng chuyển giao công nghệ trong giai đoạn đầu.

Thứ năm là đảm bảo hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, phòng chuyển giao công nghệ phải được hoạt động tự chủ, độc lập.

Thứ sáu là cơ chế phân bổ lợi ích rõ ràng. Với kinh nghiệm hỗ trợ các trường đại học thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhà trường, ông Dũng nhận xét, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Lấy ví dụ về một trường đại học được BK Holdings hỗ trợ, ông Dũng cho biết, trường này trước đó đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nhưng vẫn đang “nằm ở đâu đó trong trường”. Ngay sau khi nhà trường ban hành chính sách với sự phân bổ lợi ích khá rõ ràng và hấp dẫn, một loạt các nghiên cứu “rào rào đăng ký thương mại hóa”.

Cuối cùng là yếu tố về con người, cụ thể là những lãnh đạo, chuyên gia, giảng viên có tư duy mở, không chỉ tập trung chuyên môn, giảng dạy mà còn có kinh nghiệm về nghiên cứu, sở hữu trí tuệ hay kinh doanh, có khả năng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong trường đại học.