Nông sản cần liên kết thay vì ‘giải cứu’

Hoàng Đông - 09:47, 16/08/2023

TheLEADERThay vì giải cứu nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị tái cấu trúc ngành hàng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, từ đó giải quyết dứt điểm lời nguyền “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.

Nông sản cần liên kết thay vì ‘giải cứu’
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn chiều 15/8. Ảnh: VGP

Nông sản rớt giá thê thảm khiến đời sống bà con nông dân gặp nhiều khó khăn là vấn đề được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) nêu ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đồng thời đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thừa nhận câu chuyện “được mùa mất giá” luẩn quẩn như một “lời nguyền” của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực hiện được việc tái cấu trúc ngành hàng, dẫn đến liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị vẫn còn lỏng lẻo.

Do đó, không nên đánh giá về việc doanh nghiệp ép giá bà con nông dân bởi trên thực tế, trong nhiều trường hợp, chính bà con lại bội tín với doanh nghiệp. Dẫn chứng từ chính sản phẩm khoai lang Bình Tân của tỉnh Vĩnh Long, theo Bộ trưởng, có lúc bà con bị “bỏ lại” nhưng cũng có lúc bà con đẩy giá cao hay sẵn sàng bán nông sản sai quy cách, sai chủng loại cho doanh nghiệp.

“Có câu chuyện được mùa mất giá, nông dân bội tín với doanh nghiệp, cũng có câu chuyện doanh nghiệp, thương lái bỏ cọc khi nông dân bỏ lúa giữa đồng, quả chín rục trên cây”, ông Hoan nói.

Chính vì vậy, giải quyết bài toán được mùa mất giá không thể dựa vào “giải cứu”. Bộ trưởng khẳng định sẽ không giải cứu nông sản, đề nghị thay đổi tư duy, không nên dùng từ giải cứu nữa bởi “càng giải cứu càng rớt giá”.

Thay vào đó, giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài nằm ở tái tổ chức lại ngành hàng và xây dựng mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, liên kết là giải pháp không chỉ cho nỗi đau được mùa mất giá, được giá mất mùa mà còn là chìa khóa giải quyết trình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, từ đó nâng cao chất lượng nông sản, chuyển sản phẩm nông nghiệp thành thương phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, hiện nay, chỉ có khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng. Tuy nhiên, trong 20% đó, không phải chuỗi nào cũng được liên kết một cách bền vững.

Lấy đơn cử như câu chuyện giá sầu riêng tại Tây Nguyên. Bộ trưởng dẫn thông tin từ Hiệp hội sầu riêng Đăk Lăk, cho biết doanh nghiệp trong hiệp hội đã phải rất vất vả để đầu tư xây dựng hạ tầng, kho bãi, chuẩn hóa các yêu cầu về mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, chỉ cần có doanh nghiệp hoặc thương lái ngoài chuỗi bất ngờ nâng giá lên vì một động cơ nào đó, cả chuỗi giá trị, cả thành quả hợp tác đều bị phá vỡ. Bà con sẵn sàng bỏ chuỗi, bỏ cam kết với doanh nghiệp. Thậm chí, người nông dân còn phá bỏ cây trồng khác, ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng, gây rủi ro và có thể sẽ thiệt hại lớn đến ngành nông nghiệp.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các đơn vị sẽ phải tìm cách nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết ngành hàng, đồng thời phối hợp với các địa phương, các nhà khoa học xây dựng mô hình chuỗi liên kết đồng bộ.