Quản trị doanh nghiệp có phân biệt giới tính?

Việt Hưng - 15:36, 08/03/2024

TheLEADERThời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới tại Việt Nam do phái nữ làm chủ và đã phần nào chứng minh được hiệu quả. Vậy phải chăng đã tới thời các nữ lãnh đạo, hay phong cách quản trị kiểu nữ lên ngôi tại các doanh nghiệp?

Trao đổi với TheLEADER nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, chị Nguyễn Thị Minh Giang - nhà đồng sáng lập Newing, cựu Tổng giám đốc Nhân tài và Văn hóa của Mekong Capital tin rằng, sự phù hợp của các nữ lãnh đạo ở giai đoạn này chỉ mang tính thời điểm.

Để một doanh nghiệp thực sự phát triển và có sự đột phá, doanh nghiệp cần có sự đa dạng trong ban lãnh đạo điều hành. Một lưu ý khác, là sự đa dạng cần dựa trên phong cách quản trị, lãnh đạo, thay vì dựa vào giới tính con người.

Gần đây, có ý kiến cho rằng, phong cách quản trị kiểu nữ, hay các nữ lãnh đạo rất phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại. Quan điểm của chị như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Theo kinh nghiệm của tôi, quản trị kiểu nữ rất hiệu quả trong giai đoạn doanh nghiệp mới thành lập, hoặc đang trải qua giai đoạn khó khăn. Bởi phái nữ sinh ra đã rất cẩn thận, tỉ mỉ và tiết kiệm. Nhưng khi doanh nghiệp cần phát triển nhanh, phải chấp nhận rủi ro, thì quản trị kiểu nữ lại không phù hợp.

Tôi nhớ trong một TED Talk của Simon Sinek, vị chuyên gia này đã dẫn chứng một bài kiểm tra về phong cách dẫn dắt, phối hợp, hành động giữa một nhóm lãnh đạo toàn nữ và toàn nam, với chung một đề bài: làm sao để cả nhóm đạt được mục tiêu về đích nhanh nhất, đồng thời, đảm bảo cả nhóm về đích cùng nhau.

Và chuyện gì đã xảy ra? Nhóm lãnh đạo toàn nam đã về đích nhanh nhất, nhưng chỉ vài người là về đích. Còn nhóm lãnh đạo toàn nữ đã cùng nhau về đích, nhưng lại không đạt mục tiêu thời gian.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai nhóm này là gì, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Theo tôi, sự khác biệt ở đây xuất phát từ đặc tính tự nhiên của cả hai phái. Mấu chốt là chúng ta cần nhận biết được những ưu và nhược điểm của bản thân, để từ đó có thể điều tiết và học hỏi từ người khác.

Trong tình huống vừa rồi, đề bài là chúng ta phải về đích đúng giờ và về chung với đồng đội. Nhưng thực tế cả hai nhóm đều đã không thể hoàn thành.

Điều này dẫn tới câu chuyện một đội nhóm, hay một ban lãnh đạo trong doanh nghiệp cần có sự bọc lót cho nhau, bao hàm cả ý nghĩa đa dạng đội ngũ lãnh đạo, cần có cả nữ lẫn nam.

Nói riêng về các lãnh đạo nữ, các doanh nghiệp do họ quản trị, lãnh đạo có đặc điểm gì nhận dạng, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Theo quan sát của cá nhân tôi, những doanh nghiệp do nữ làm chủ, lãnh đạo luôn có khuynh hướng sẽ tập trung vào sự gắn kết, yếu tố cảm xúc và phối hợp với nhau. Tôi hay nói là lãnh đạo từ trái tim (cảm xúc) và điều này thật sự cần thiết khi dẫn dắt một tổ chức đạt kết quả lâu dài và bền vững.

Tuy nhiên, tôi cũng gặp những nữ lãnh đạo, mà có thể là họ chưa cân bằng hiệu quả giữa "lý trí" và "cảm xúc"... nhất là thời điểm doanh nghiệp cần đổi mới, thích ứng nhanh và dám thử những ý tưởng mới.

Ví dụ, khi doanh nghiệp cần tăng trưởng, mở rộng, lúc này phong cách lãnh đạo của người đàn ông có phần lợi thế, vì phái mạnh có sẵn sự máu lửa, dám chấp nhận rủi ro, quyết liệt và tập trung vào kết quả.

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta sẽ đóng khung vấn đề giới tính trong việc quản trị. Thực tế, tôi đã gặp nhiều lãnh đạo nam có phong cách quản trị kiểu nữ và ngược lại.

Điều quan trọng ở đây là sự cân bằng, linh hoạt tại từng thời điểm và chân thật với chính phong cách lãnh đạo của mình.

Nếu doanh nghiệp rơi vào trạng thái đi ngang như chị chia sẻ, các nữ lãnh đạo có thể làm gì để thay đổi tình huống này, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Tôi nghĩ ở đây sẽ bắt đầu từ việc người nữ lãnh đạo có thể chủ động tập luyện, thực hành và trang bị thêm các kỹ năng mới, các phong cách quản trị, lãnh đạo kiểu mới.

Và chọn xây dựng những cộng sự phù hợp để đồng hành, hỗ trợ. Cá nhân tôi đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo ở PNJ, khi có sự kết hợp ăn ý giữa Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và CEO Lê Trí Thông, đó là sự lãnh đạo có cả lý trí và cảm xúc từ hai anh, chị lãnh đạo đó.

Đó quả là một phương án lý tưởng. Nhưng có vẻ như trong thực tế, không nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam được may mắn như PNJ, phải không chị?

Quản trị doanh nghiệp có phân biệt giới tính? 1
Bà Giang tin rằng, để một doanh nghiệp thực sự phát triển và có sự đột phá, doanh nghiệp cần có sự đa dạng trong ban lãnh đạo điều hành - Ảnh: Việt Hưng

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Đúng là như vậy. Việc có được một cộng sự cùng lãnh đạo doanh nghiệp không đơn giản.

Là một lãnh đạo nữ, tôi tin việc chuyển hóa, thay đổi, học hỏi thêm hoàn toàn có thể làm được, thậm chí là phái nữ còn có lợi thế.

Trong một nghiên cứu về các CEO xuất chúng của McKinsey, kĩ năng đứng đầu trong việc tạo ra sự khác biệt của các nhà lãnh đạo là kĩ năng quản lý và dẫn dắt con người. Kĩ năng này bao gồm: năng lực giao tiếp, quan tâm tới cảm xúc của đội ngũ, tôn trọng và có thể kết nối với cộng sự… Đây đều là những tố chất, thế mạnh của phái nữ.

Với thế mạnh vốn có như vậy, theo chị, các nữ lãnh đạo có thể học hỏi gì từ phong cách quản trị, lãnh đạo kiểu nam?

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Điển hình là câu chuyện trao quyền cho nhân viên. Các lãnh đạo kiểu nữ vì quá cẩn trọng, vì cần nhiều thời gian để tin tưởng các cộng sự… nên khó có thể trao quyền cho nhân viên như các lãnh đạo kiểu nam.

Điều này thực sự ảnh hưởng tới khả năng phát triển lâu dài của một doanh nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp muốn đột phá, thì cần có sự hợp lực của nhiều người, bao gồm cả việc trao quyền. Sự cẩn trọng quá mức của các lãnh đạo nữ đôi khi có thể kéo lùi tốc độ phát triển của doanh nghiệp.

Chị từng chia sẻ, lãnh đạo kiểu nam là dám chấp nhận rủi ro và dám bước ra khỏi vùng an toàn. Phải chăng, bản thân chị cũng đã chuyển hóa, khi từ một lãnh đạo cấp cao của Mekong Capital quyết tâm ra khởi nghiệp?

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Thật ra tôi vẫn luôn nghĩ mình là một người nữ, nhưng có phong cách quản trị, lãnh đạo kiểu nam. Nói vậy để thấy, quản trị doanh nghiệp vốn không phân biệt theo giới tính.

Điều quan trọng là mỗi một người lãnh đạo sẽ cần biết được những điểm yếu, lẫn điểm mạnh của bản thân để tự chuyển hóa và hoàn thiện. May mắn hơn, chúng ta có thể tìm thấy những người đồng đội có thể bù trừ, bọc lót cho mình khi cần.

Bản thân tôi không phải là người tiểu tiết, chi tiết và cân nhắc kĩ càng. Nhưng tôi lại có những đồng đội như vậy cùng đồng hành.

Trước đây, khi làm việc trong các tổ chức lớn, tôi chỉ xem mình là một mắt xích trong doanh nghiệp, chỉ cần làm tốt vai trò của mình là đã được ghi nhận. Tới khi bước chân ra khởi nghiệp, mọi thứ tôi đều phải tự tay làm, bao gồm cả những việc là sở trường và sở đoản.

Tôi thực sự biết ơn thời gian ở Mekong Capital, khi mang tới cho tôi cơ hội gặp gỡ các đồng đội giỏi sau này. Tôi vẫn rất tự hào khi Newing - doanh nghiệp tôi đồng sáng lập hiện tại có mười người thì đều là mười người nữ.

Có lạ không, khi một công ty khởi nghiệp lại toàn nhân sự nữ, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Bản thân tôi không có vấn đề với nam giới. Thực tế, những nhân sự hiện tại đều được tôi lựa chọn đồng hành dựa trên một tiêu chí chung, đó là họ phải từng làm việc cùng mình.

Với tôi, những viên gạch đầu tiên trong một tổ chức phải là những người tôi hiểu rõ, từ tính cách, con người, năng lực… Quan điểm của tôi là nếu chọn đúng người và đặt đúng vị trí, doanh nghiệp có thể thắng được trên 50%.

Đây là bài học xương máu mà cá nhân tôi đã đúc rút được qua nhiều năm. Và vô tình, những cộng sự mà tôi tin là đúng người đều thuộc phái nữ.

Với một đội ngũ toàn nữ, chị có gặp vấn đề nào liên quan tới quản trị?

Chị Nguyễn Thị Minh Giang: Cho đến hiện tại, những gì chúng tôi có đều là lợi thế, chứ chưa nhìn thấy mặt hại nào. Đối với tôi, quản trị không phân biệt giới tính, mà quan trọng là lựa chọn được người phù hợp.

Lợi thế ở đây là ngoài công việc, chúng tôi chia sẻ được với nhau rất nhiều điều, từ các vấn đề trong gia đình, tới các sở thích, thói quen của phái nữ… Chúng tôi thực sự cảm thấy được kết nối với nhau.

Tất nhiên, tôi cũng đã nghĩ đến việc sẽ tới thời điểm Newing cần có sự đa dạng hơn về mặt con người. Chắc chắn, khi ấy chúng tôi sẽ có sự tham gia của các nhân sự là nam giới.

Xin cảm ơn chị!