IP Day Việt Nam 2024: Sở hữu trí tuệ và phát triển bền vững

Hoàng An - 11:28, 23/04/2024

TheLEADER"Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo” là thông điệp của IP Day Việt Nam 2024.

IP Day Việt Nam 2024: Sở hữu trí tuệ và phát triển bền vững
Ngày sở hữu trí tuệ Việt Nam (IP Day) năm nay sẽ diễn ra vào ngày 26/4

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) là sự kiện do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khởi xướng nhằm nâng cao nhận thức về tác động của các bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đến cuộc sống hàng ngày, đồng thời tôn vinh đóng góp của những nhà sáng tạo vào sự phát triển của nền kinh tế, xã hội.

Chủ đề WIPO lựa chọn cho IP Day 2024 là “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.

Là một trong lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ, ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa đã và đang tạo ra những giá trị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề về kinh tế, con người, môi trường.

Về kinh tế, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, song các chuyên gia cho rằng nếu có sự hỗ trợ và đầu tư đúng hướng, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa sẽ là cánh cửa giúp các nước đang phát triển thoát khỏi khó khăn sau đại dịch.

Doanh thu ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại.

Những con số này cho thấy đây là “con gà đẻ trứng vàng” của các nước xuất khẩu văn hóa, sáng tạo toàn cầu như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan… Tại các quốc gia nêu trên, công nghiệp sáng tạo chiếm từ 5 tới 8% GDP, con số này ở Việt Nam ước tính khoảng 3%.

Về con người, ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa đã mang lại nhiều thành tựu về phát triển văn hóa cho nhân loại. Đặc biệt, những sản phẩm ở các ngành như: âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và nội dung số đã và đang mang lại giá trị về tinh thần, hướng con người tới điều tốt đẹp.

Bên cạnh đó, hai ngành công nghiệp này còn mang đến cơ hội phát triển bản thân, kích thích sự sáng tạo của con người đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo ra nhiều việc làm.

Về môi trường, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa được coi là ngành công nghiệp không khói, không gây ra những tác động trực tiếp đến môi trường, sản phẩm cũng góp phần lan tỏa thông điệp, kêu gọi hành động vì môi trường.

Hơn hết, trong bối cảnh internet phát triển như vũ bão, những nhà sáng tạo đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến bản quyền, tài sản trí tuệ đặc biệt trên môi trường số.

Hiện nay, số người bắt đầu có ý thức và quan tâm về sở hữu trí tuệ, muốn tìm hiểu, muốn tham gia các hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã tăng lên. Tuy nhiên, phần lớn vẫn nhìn nhận sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực thuộc về luật pháp và mang tính kỹ thuật đặc thù khó tiếp cận mà chưa nhìn nhận nó thêm ở khía cạnh kinh tế.

Sáng tạo trong bối cảnh hiện này không chỉ là công việc dành cho các nghệ sĩ, những người có năng khiếu thiên bẩm vượt trội, trên thực tế sáng tạo hoàn toàn có thể học hỏi, rèn luyện và công thức hoá, công nghiệp hoá.

IP Day Việt Nam 2024: Sở hữu trí tuệ và phát triển bền vững
Sự kiện VMCC Marcom Talk #8: Character Licensing & Character Marketing là một trong những sự kiện trong chuỗi chương trình IP Day Việt Nam 2024

Với mong muốn cổ vũ sự phát triển của công nghiệp sáng tạo, tại Việt Nam, tôn vinh, tiếp thêm động lực cho những nhà sáng tạo có thêm nhiều những ý tưởng, phát minh, sáng kiến hơn nữa nhằm hướng tới tương lai bền vững, IP Day Việt Nam chính thức trở lại trong tháng 4/2024.

IP Day Việt Nam 2024 gồm chuỗi hoạt động bao gồm sự kiện VMCC Marcom Talk #8: Character Licensing & Character Marketing (cấp phép và tiếp thị nhân vật) cùng các chương trình truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.

IP Day Việt Nam 2024 sẽ góp phần đại chúng hóa, lan tỏa các kiến thức về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục.

Sự kiện có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.