Rót hàng trăm tỷ đô vào Việt Nam, ‘thiên đường thuế’ toan tính gì?

Song Ngư - 08:00, 14/08/2017

TheLEADERDoanh nghiệp tại các "thiên đường thuế" đã rót hàng trăm tỷ USD vào Việt Nam thông qua các dự án đầu tư...

Rót hàng trăm tỷ đô vào Việt Nam, ‘thiên đường thuế’ toan tính gì?
Ảnh minh họa (nguồn CNN)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2017 đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các thiên đường thuế.

Trong đó, với 850 triệu USD, các nhà đầu tư đến từ quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands - BVI), vốn được biết đến là “thiên đường thuế”, đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức này.

Tổng cộng trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ BVI rót vào Việt Nam đã đạt con số trên 1 tỷ USD và giữ vững vị trí thứ 5 trong danh sách đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế từ trước cho đến nay, quần đảo này cũng nằm trong top 5 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào việt Nam với gần 21,5 tỷ USD.

Ngoài thiên đường thuế BVI, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, các thiên đường thuế khác trên thế giới như Singapore, Hồng Kông, Cayman Islands, Bermuda, Panama, Luxembourg, Bahamas, Panama… cũng đang dốc vốn mạnh vào Việt Nam.

Tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/7/2017 thì số vốn rót vào Việt Nam của nhà đầu tư Singapore là hơn 41,6 tỷ USD, Hồng Kông hơn 17,3 tỷ USD, Samoa 6,6 tỷ USD, Cayman Islands gần 6,3 tỷ USD, Luxembourg 2,3 tỷ USD, Bermuda 307 triệu USD, Panama 63 triệu USD,…

Rót tiền trên mọi lĩnh vực

Hiện rất nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp đến từ các thiên đường thuế đã đầu tư khá lớn vào Việt Nam. Điển hình trong số này có công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital đăng ký kinh doanh tại BVI, đã rót hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Dragon Capital đang quản lý 2,29 tỷ USD vốn đầu tư (tính đến 30/6/2017). Thời gian gần đây, các quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital đã có hàng loạt giao dịch mua bán cổ phần với giá trị lớn tại nhiều doanh nghiệp khác nhau. Mục tiêu đầu tư của Dragon Capital là nhắm tới các công ty niêm yết, sắp niêm yết, cũng như các doanh nghiệp cổ phần hóa/ IPO.

Dragon Capital hiện đang quản lý quỹ VEIL - quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng hơn 1,2 tỷ USD cùng quỹ VEUF quy mô hơn 100 triệu USD, quản lý danh mục trị giá khoảng 300 triệu USD của Norges Bank cùng một số quỹ nhỏ khác. Quỹ VEIL đang đầu tư nhiều vào các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là các cổ phiếu bluechip ở sàn TP. HCM (HoSE).

Dẫn đầu trong danh sách các công ty được VEIL rót nhiều tiền nhất (tính đến ngày 8/8/2017) là Vinamilk (chiếm 11,3% giá trị tài sản ròng của quỹ), Thế giới Di động (MWG, 7,85%), MBBank (7,25%), Tập đoàn FPT (5,69%), Ngân hàng ACB (5,85%), Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas, 4,5%), Tập đoàn Hòa Phát (3,38%), Vietjet Air (4,24%), Nhà Khang Điền (3,8%), ACV (3,18%).

Dragon Capital cũng đã rót tiền tỷ vào các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland - NVL), Tổng công ty Viglacera (VGC), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát (Sabeco), Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC),...

Đặc biệt, mới đây, thị trường bán lẻ Việt đón tin nóng khi FPT chính thức hoàn tất việc chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tương đương 6 triệu cổ phiếu, cho các quỹ được quản lý bởi hoặc liên kết với Dragon Capital và một công ty quản lý quỹ khác là VinaCapital.

Có thể thấy công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam có đăng ký tại thiên đường thuế BVI đang rót vốn vào Việt Nam trên khắp các lĩnh vực và các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

Ra đời vào năm 2006 tại quần đảo Virgin thuộc vương quốc Anh, một quỹ đầu tư khác Vietnam Asset Managemet Limited (VAM) cũng là quỹ đầu tư lớn vào những công ty dược, thực phẩm, đồ uống và thiết bị sinh vật học.

Ngoài ra, còn một số tổ chức tài chính khác ra đời ở thiên đường thuế đã rót tiền vào Việt Nam trong thời gian qua như: Indochina Capital Adviser, PXP Vietnam Asset Management Ltd, Vietnam Holding Asset Management Ltd, Clear Water Capital Partner Singapore PTE…

Các tập đoàn đa quốc gia như Intel, Chevron, Procter & Gamble hay ConocoPhillips…cũng thông qua các chi nhánh tại thiên đường thuế để rót vốn đầu tư vào Việt Nam.

Một số dự án lớn của những công ty đến từ thiên đường thuế có thể kể đến như Công ty TNHH Worldon Việt Nam của nhà đầu tư Gain Lucky Limited đăng ký đầu tư 300 triệu USD sản xuất hàng may mặc cao cấp tại TP. HCM; Công ty TNHH Trung tâm thương mại Vinacapital với vốn 325 triệu USD buôn bán khu thương mại, khách sạn, văn phòng, dịch vụ khách sạn, bất động sản; Công ty TNHH GVD Việt Nam I đầu tư 300 triệu USD phát triển, quản lý khu căn hộ chung cư và những dịch vụ chuyên chở khách du lịch, dịch vụ cho thuê xe; Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam phát triển và điều hành cụm rạp chiếu phim,…

Có đáng ngại?

Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ không có gì đáng lo ngại nếu hầu hết các thiên đường thuế đang rót vốn vào Việt Nam không nằm trong danh sách “15 thiên đường thuế tồi tệ nhất” của Oxfam.

Danh sách "15 thiên đường thuế tồi tệ nhất" của Oxfam dựa trên các tiêu chí về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế và thiếu hợp tác quốc tế chống lại hành vi tránh thuế. Danh sách này gồm có: Bermuda, Cayman Islands, Hà Lan, Thụy Sỹ, Singapore, Ireland, Luxembour, Curacao, Hồng Kông, Đảo Síp, Bahamas, Jersey, Barbados, Mauritius, British Virgin Islands.

Cũng theo chuyên gia Oxfam, khoảng 50% các khoản đầu tư FDI vào Việt Nam đều chảy qua ít nhất là một thiên đường thuế. Việc này dẫn đến lợi nhuận của các khoản đầu tư này chỉ phải đóng khoản thuế rất nhỏ tại các thiên đường thuế trong khi Việt Nam lại không thu được một đồng nào.

Theo Oxfam, trên thực tế, các tập đoàn này đã chuyển phần lớn lợi nhuận về các công ty bình phong tại các nước có thuế suất cực thấp. Thay vì phải trả mức thuế từ 20% tới 25% tại các nước họ kinh doanh, lợi nhuận của các công ty này được đưa về các quốc gia có thuế suất chỉ dưới 1%, thậm chí 0% để tránh thuế.

Đáng chú ý, quần đảo British Virgin Islands là nơi tọa lạc của hơn một nửa trong số 200.000 công ty ”ma” do Mossack Fonseca thành lập – là một công ty luật có vai trò trọng tâm trong vụ bê bối “Hồ sơ Panama”. Đây là địa chỉ mà mà hầu hết các cá nhân và tổ chức liên quan tới Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Panama” mở tài khoản.

Tuy nhiên, chuyên gia của Oxfam cũng cho rằng, không thể đánh đồng tất cả những doanh nghiệp đăng ký ở “thiên đường thuế” đều có vấn đề.

Hiện nay Việt Nam đang thiếu vốn cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng... thì việc đa dạng nguồn vốn FDI vào Việt Nam, theo Oxfam, là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải có cơ chế quản lý phù hợp, tránh phân bổ nguồn vốn không hợp lý và lợi nhuận của các khoản đầu tư này sẽ không được giữ lại đất nước.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Ở một góc nhìn khác, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: “Vốn đầu tư từ các thiên đường thuế rót mạnh vào Việt Nam cũng là một tín hiệu cho thấy thị trường Việt Nam còn hấp dẫn và đang tạo lợi nhuận. Chúng ta không từ chối các khoản đầu tư từ thiên đường thuế và cũng không thỏa mãn mà cần cố gắng thu hút các khoản đầu tư từ các công ty công nghệ, có thị trường chứ không chỉ các khoản đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, dịch vụ khác”.