Rủi ro đặc biệt trong bản cáo bạch niêm yết của TPBank

Minh An - 11:43, 06/04/2018

TheLEADERCác thông tin tranh chấp, kiện tụng liên quan tới ngân hàng TPBank có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu sau khi niêm yết.

Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào ngày 19/4 với mức giá khởi điểm 32.000 đồng/ cổ phần, tương đương giá trị thị trường của ngân hàng khoảng 0,8 tỷ USD.

Ở quy mô này giá trị của TPBank tương đương với Eximbank, cao hơn LienVietPost Bank và thấp hơn VIB, đây là những ngân hàng có cùng quy mô tài sản với TPBank. Tuy nhiên các cổ đông ngân hàng đều kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh sau khi niêm yết nhằm đưa giá trị TPBank lên cao.

Các cổ phiếu ngân hàng mới được niêm yết gần đây đều tăng mạnh như HDBank VPBank. Chủ tịch của TPBank ông Đỗ Minh Phú kỳ vọng giá trị của ngân hàng sẽ tăng lên mức 1 tỷ USD vào cuối năm nay, khi trả lời phỏng vấn Bloomberg đầu tuần này.

Tuy vậy không như hai ngân hàng trên, TPBank đang phải đối mặt với rủi ro pháp lý đặc biệt mà ngân hàng tham gia với tư cách là bên có liên quan trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2.

Bản cáo bạch của ngân hàng cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2013 đến tháng 12/2013, TPBank đã cho vay tổng cộng 11 công ty có liên quan trong vụ án Phạm Công Danh, và tất cả các khoản vay của 11 công ty đều được Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bảo lãnh/bảo đảm bằng tiền gửi của VNCB gửi tại TPBank. Ngoài ra, các khoản vay này còn được bảo đảm bằng các trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung phát hành.

Do khách hàng vi phạm nghĩa vụ với ngân hàng, TPBank đã yêu cầu khách hàng trả nợ trước hạn, tuy nhiên các khách hàng này không thực hiện việc trả nợ. Theo đó, căn cứ vào việc các khoản vay đều có tài sản bảo đảm, TPBank đã tiến hành trích tiền gửi của VNCB tại TPBank để thu hồi đầy đủ toàn bộ số nợ của 11 Công ty được VNCB bảo lãnh/bảo đảm, phần tiền còn lại đã được TPBank chuyển trả cho VNCB.

Kết luận giám định của Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng việc VNCB bị TPBank trích nợ tự động số tiền hơn 1.736 tỷ (trong đó hơn 1.666 tỷ đồng tiền gốc và hơn 70 tỷ tiền lãi) để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho 11 công ty là phù hợp quy định pháp luật và thỏa thuận giữa các bên, và TPBank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 11 công ty liên quan đến Phạm Công Danh.

Ngày 07/01/2018, Vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sở thẩm. Do còn một số nội dung chưa được làm rõ, ngày 07/02/2018, Hội đồng Xét xử đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ Vụ án, đồng thời tham gia, theo dõi diễn biến của phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng.

Ngoài ra tài liệu này của TPBank cũng cho biết ngân hàng đang có tranh chấp với khách hàng trong các giao dịch cho vay/thu hồi nợ.

Đây là các tranh chấp có bản chất liên quan đến hợp đồng dân sự, thương mại (hợp đồng tín dụng), với tổng giá trị tranh chấp đến thời điểm 31/12/2017 đạt hơn 652 tỷ đồng trong các năm từ 2014 đến 2017.

Trong quá trình phát sinh tranh chấp, TPBank là phía yêu cầu khách hàng trả nợ, yêu cầu Tòa tuyên TPBank được quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án phát mại tài sản đảm bảo. Hầu hết các vụ án đều đang trong quá trình thụ lý, xử lý thủ tục phát mại tài sản đảm bảo...

Ngân hàng cho biết đã đã được trích lập dự phòng các khoản tranh chấp trong nhóm này gần 189 tỷ đồng.