Shark Nguyễn Hòa Bình: Tiền mặt là vua thời dịch bệnh

Đặng Hoa - 08:53, 27/03/2020

TheLEADERTheo Chủ tịch tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình, “tiền mặt là vua” là một trong những nguyên tắc bất biến khi khủng hoảng xảy ra, hàng hoá và tài sản bị giảm ý nghĩa và giá trị.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Tiền mặt là vua thời dịch bệnh
Shark Nguyễn Hoà Bình

Theo nhận định của ông Nguyễn Hoà Bình, vị cá mập chương trình Shark Tank, khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra phức tạp hơn hẳn so với các cuộc khủng hoảng đã từng xảy ra trước đây, đặc biệt là khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. 

Lần đầu tiên, thị trường xuất hiện khái niệm đa khủng hoảng, vừa giảm cầu, vừa giảm cung lại vừa bao trùm tâm lý sợ hãi khiến mọi hoạt động rơi vào trạng thái đóng băng và “ngủ đông”.

Trong giai đoạn khó khăn này, Shark Bình cho rằng “khẩu quyết” đơn giản cho mọi doanh nghiệp nằm trong bốn chữ “tăng thu, giảm chi”. Từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu kinh nghiệm quản trị kinh doanh, thường xuyên mắc lỗi về quản trị dòng tiền trong khi vào những lúc khủng hoảng, dòng tiền là quan trọng nhất.

“Có một nguyên tắc bất biến: tiền mặt là vua, hàng hoá và tài sản bị giảm ý nghĩa và giá trị khi khủng hoảng ập đến”, ông Bình nói.

Để tăng cường hiệu quả trong việc quản trị dòng tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đảm bảo có đủ dòng tiền tồn tại qua cơn bão trước mắt, Shark Bình đã chỉ ra mười bí quyết.

Thứ nhất, nếu được ngân hàng cấp hạn mức, cần cố gắng đưa quỹ hạn mức đó về quỹ tiền mặt tại tài khoản của doanh nghiệp, đề phòng các ngân hàng thay đổi chính sách, cắt hạn mức.

Thứ hai, mạnh mẽ cắt giảm hết chi phí không cần thiết, đảm bảo doanh nghiệp “vận động” ít nhất có thể để bớt tiêu tốn năng lượng.

Thứ ba, giảm nhu cầu thuê mặt bằng. Theo Shark Bình, trước năm 2019 tồn tại một mô hình kinh doanh không bền vững khi người cho thuê đất, thuê nhà lại là người kiếm được nhiều tiền nhất khiến cho mọi người đổ xô đi đầu tư đất đai để cho thuê lại.

Do đó, ông Bình cho rằng đây là thời điểm những người cho thuê nhà liên kết lại, điều chỉnh giá thuê mặt bằng về đúng giá trị vốn có để đưa về một mô hình kinh tế ổn định, lành mạnh hơn. Vì trên thực tế đây là câu chuyện win-win (đôi bên cùng có lợi), nếu không làm được thì cả bên thuê và cho thuê đều “chết”.

Thứ tư, tích cực điều chỉnh các khoản nợ phải trả trong điều kiện phù hợp với doanh nghiệp, cố gắng đàm phán giãn nợ trong khả năng nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý hoặc đạo đức kinh doanh.

Thứ năm, tích cực thực hiện các giải pháp để tăng thu như lập tức thu hồi các khoản phải thu càng nhanh càng tốt. Thậm chí, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp giảm giá, dù thu ít nhưng vẫn có dòng “tiền tươi”.

Thứ sáu, tìm mọi cách đẩy hàng để giảm tồn kho, thậm chí phải bán rẻ để chuyển đổi tất cả nguồn lực về tiền mặt.

Thứ bảy, trì hoãn các đơn đặt hàng mới để chuyển đổi hàng tồn kho hiện có thành tiền mặt vì có khả năng các đơn hàng mới dễ bị huỷ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thứ tám, xác định các loại tài sản hiện có trong tay có thể bán đi như đất đai, bản quyền sở hữu trí tuệ… nhằm tăng dự trữ tiền mặt.

Thứ chín, giảm hoặc trì hoãn các khoản thuế và các khoản trách nhiệm khác. Đây là giải pháp mà các cơ quan nhà nước cần lưu ý hỗ trợ vì theo ông Bình, các doanh nghiệp này nếu vượt qua được khủng hoảng để phát triển thì sẽ là những người nộp thuế, đóng góp ngân sách.

Thứ mười, tìm kiếm giải pháp, ý tưởng mới thông qua việc tham gia các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp để có thể cùng ngồi bàn bạc, phối hợp tìm biện pháp giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn và lan toả giá trị tích cực cho xã hội.

Tất nhiên, shark Bình lưu ý, bên cạnh các bí quyết này, doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực tìm cách bán hàng để tăng thu, không thể đóng cửa ngủ đông chờ dịch hết mới quay lại bởi đó là đầu hàng, bỏ mặc tình thế và đến lúc hết dịch thì đã trở nên “ỳ người”, không còn khả năng thích ứng.

Cắt giảm nhân sự là giải pháp cuối cùng

Trong tâm thư gửi 2.000 cán bộ nhân viên của Tập đoàn NextTech cách đây hai tuần, ông Bình đã khẳng định, chi phí nhân sự chiếm tỷ trọng cao nhất tại công ty. Có những doanh nghiệp thì chi phí này còn chiếm tới 60%, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ không có tài sản gì nhiều ngoài con người.

Cắt giảm nhân sự chỉ là giải pháp cuối cùng khi không có giải pháp nào khác để doanh nghiệp tồn tại.
Shark Nguyễn Hoà Bình
Chủ tịch Tập đoàn NextTech

Thế nhưng ông Bình xác định, “còn người còn của”. Trong hai giá trị cốt lõi của NextTech thì con người trước rồi mới đến công nghệ vì con người tạo ra công nghệ. Vì vậy, ông Bình xác định NextTech chính là con thuyền, gặp sóng to bão lớn thì lựa chọn cứu người bằng cách vứt đồ đạc nặng nề ra khỏi con tàu.

“Chúng tôi cố gắng để việc cắt giảm nhân sự chỉ là giải pháp cuối cùng khi không có giải pháp nào khác để doanh nghiệp tồn tại”, ông Bình chia sẻ.

Theo vị doanh nhân này, khi có giặc thì vua quan phải ra tuyến đầu. Các vị trí lãnh đạo và quản lý đều áp dụng chính sách làm gương, tự nguyện giảm thu nhập một phần trước vì thông thường họ có thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng phải tính đến kịch bản thứ hai, khi tình hình trở nên trầm trọng hơn thì phải bắt đầu xem xét đến việc cắt giảm một phần lương của nhân viên, nhưng vẫn duy trì đội ngũ. Kịch bản thứ ba là cho nhân viên đi làm luân phiên, đồng thời tìm thêm những công việc khác để giúp đội ngũ nhân sự có thêm thu nhập khác

Ông Bình cho biết, vì là doanh nghiệp chuyển đổi số nên đến thời điểm hiện tại, NextTech vẫn chưa phải thực hiện các biện pháp quá khốc liệt, chưa phải cắt giảm bất kỳ nhân sự nào.

Tuy nhiên, vị cá mập Shark Tank cũng cho rằng, đây là cơ hội để rà soát và tối ưu hoá bộ máy. Việc cắt giảm vì sự cố, dịch bệnh hoàn toàn khác với việc tái cấu trúc và cắt giảm các vị trí không hiệu quả trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có càng nhiều nhân viên càng có nhiều vị trí có thể hiện kém, càng phải mạnh dạn tái cơ cấu.

Đặc biệt, câu chuyện “chuyển đổi số hay chết” được ông Bình đưa ra từ cuối năm 2019 càng thể hiện rõ trong mùa dịch này. Với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thị trường, câu chuyện chuyển đổi số lâu nay vẫn chỉ mang tính tuyên truyền, không biết bắt đầu từ đâu. Trong khi nó là một việc rất đơn giản, là thay đổi hành vi đang làm hàng ngày trong doanh nghiệp từ việc dùng chân tay mang tính thủ công các công cụ công nghệ thông tin để tối ưu hoá và tăng năng suất lao động.

Shark Bình cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần trở nên khác biệt nếu muốn tồn tại bởi đã đi sau, đã nhỏ mà không khác biệt sẽ chết. Doanh nghiệp càng nhỏ, càng phải có tư duy chuyển đổi số để trở nên khác biệt và tạo năng lực cạnh tranh trong bối cảnh các ông lớn có bộ máy cồng kềnh, rất khó và chậm trong quá trình chuyển đổi số.