Tại sao doanh nghiệp Mỹ chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam?

Phương Linh - 10:05, 17/09/2023

TheLEADERNội lực, khả năng quản trị của của doanh nghiệp trong nước còn yếu và môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng là hai lý do chính khiến các doanh nghiệp Mỹ còn dè dặt trong đầu tư tại Việt Nam.

Tại sao doanh nghiệp Mỹ chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam?
Việc đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Hoàng Anh

Trong suốt thời kỳ đổi mới và phát triển, mặc dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ gần như con số 0, lên đến 130 tỷ USD vào năm 2022, song các nhà đầu tư lớn của Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa nhiều.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, Mỹ là một cường quốc kinh tế và công nghệ, đáng lẽ sau 20 năm bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao, Mỹ phải trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam với những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất để Việt Nam có thể học tập và chuyển giao như cách Trung Quốc đã làm với Mỹ trong mấy chục năm qua.

Tuy nhiên, đáng tiếc là việc đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy, tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 1.216 dự án với tổng vốn khoảng 11,4 tỷ USD. 

Mỹ đứng thứ 11 về giá trị đầu tư tại Việt Nam, sau các nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia. Một số tập đoàn lớn của Mỹ đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam có thể kể đến như Intel, Boeing, Chevron,, Exxon Mobil, General Electric (GE)...

Có thể thấy, đến thời điểm hiện nay, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam là không nhỏ, song lại chưa có tiếng vang lớn như những dự án tỷ đô của các nước khác như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nếu như trước năm 2013, Hàn Quốc nằm ngoài nhóm 5 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, thì từ năm 2013 trở lại đây, đầu tư FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh. Trong 10 năm, Hàn Quốc đã vươn lên dẫn đầu cả về số dự án, số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Năm 2013, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam mới đạt 3,8 tỷ USD, nay đã vọt trên 80 tỷ USD, tăng gấp 21 lần. 

Bên cạnh Hàn Quốc, Singapore cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với hơn 3.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký lên tới hơn 70 tỷ USD.

Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản cũng có tới 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Như vậy, nếu so sánh với các con số đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore thì còn xa các doanh nghiệp Mỹ mới “đuổi kịp” được con số này.

Ngay từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000, Mỹ đã luôn nhấn mạnh việc sẽ trở thành “nhà đầu tư số một tại Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Theo ông Chương, có hai lý do chính khiến các doanh nghiệp Mỹ còn "dè dặt" trong đầu tư tại Việt Nam.

Thứ nhất là do nội lực và năng lực quản trị của đội ngũ doanh nghiệp trong nước còn ở mức khá thấp.

Là chuyên gia kinh tế từng sống và làm việc tại Mỹ nhiều năm, ông Chương cho rằng, trước khi quyết định đầu tư tại một quốc gia nào đó, doanh nghiệp Mỹ luôn khảo sát rất kỹ các doanh nghiệp, môi trường trường đầu tư tại quốc gia đó.

Khi doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam, điều họ quan tâm nhất là tính rủi ro trong hoạt động đầu tư, tính "tiên lượng", dự báo trước được những rủi ro.

Muốn tránh được những rủi ro đó, tính quản trị của doanh nghiệp phải cao. Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, họ phải thấy được rằng các doanh nghiệp trong nước quan tâm tới việc xây dựng nội lực, xây dựng hệ thống kỷ cương để có cách ngăn ngừa, xử lý khi những rủi ro xảy ra.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong nước hoạt động nghiêm túc, vừa có chiến lược phát triển vừa có hệ thống quản trị tốt, sẽ đi được đường xa với họ mà không bị "gãy gánh giữa đường".

Nếu không thấy được những yếu tố bền vững từ đội ngũ doanh nghiệp trong nước để đi đường dài trong phát triển, các nhà đầu tư Mỹ tới Việt Nam sẽ chỉ "ăn xổi". Doanh nghiệp vào đầu tư 3 - 5 năm, thu hồi vốn và "rút", Việt Nam sẽ không có được những đối tác cùng phát triển, xây dựng tương lai lâu dài.

Theo ông Chương, Việt Nam muốn được các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp trong nước phải cho họ thấy sự phát triển bền vững trong ít nhất 15 - 20 năm tới.

Quản trị doanh nghiệp còn yếu và thiếu vắng đội ngũ các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đáp ứng được việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài chính là lý do khiến Mỹ chưa đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.

Lý do thứ hai theo ông Chương là môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nặng về thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, môi trường kinh doanh, "luật chơi" trong nước cần chuyên nghiệp, công bằng, minh bạch để các doanh nghiệp Mỹ mạnh dạn đầu tư.

Môi trường kinh doanh trong nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các cơ quan quản lý cần cam kết "nói là làm", tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư và thành công tại Việt Nam.

Nhờ đó, Việt Nam sẽ thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có tầm ảnh hưởng lớn. Ngoài ý nghĩa về phát triển kinh tế, kết nối tạo hệ sinh thái, chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm, giá trị chiến lược mà các doanh nghiệp này mang lại cho Việt Nam là rất lớn. Qua các doanh nghiệp này, Việt Nam sẽ tạo dựng được quan hệ với những người bạn trong nước Mỹ, với chính trường Mỹ..., ông Chương nhận định.

Trước thực tế này, vị chuyên gia này cũng cho rằng, với việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, sự dần lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, kỳ vọng các doanh nghiệp hai nước sẽ có điểm gặp nhau, nâng tầm quan hệ chiến lược mới trong thời gian tới.

Là doanh nghiệp đầu tư nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group cũng cho rằng, việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho ngành sản xuất công nghiệp và bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Theo ông Khánh, mặc dù đã nhiều năm mở cửa cho đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, chưa nhiều công ty và tập đoàn lớn của Mỹ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nguyên nhân là do văn hoá của người Mỹ rất rõ ràng, họ cần phải có hành lang pháp lý đi trước, sau đó hoạt động đầu tư sẽ đi sau.

Với hiệp định đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, 3 trụ cột của quan hệ hợp tác này là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; kết nối chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển công nghiệp chế tạo và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong đó, khoa học công nghệ sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá. Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển.

Với ba định hướng chiến lược này trong quan hệ giữa hai bên, ông Khánh cho rằng, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam với nhiều dự án lớn, sẽ có bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới.