Tại sao ông Mai Hữu Tín xoá bỏ thương hiệu Gỗ Trường Thành?

Hứa Phương - 16:18, 07/08/2019

TheLEADERMặc dù vẫn giữ mã chứng khoán là TTF nhưng ông Mai Hữu Tín quyết định xoá bỏ thương hiệu Gỗ Trường Thành và thay bằng Total Furniture với kỳ vọng vực dậy doanh nghiệp đang thua lỗ nặng.

Tại sao ông Mai Hữu Tín xoá bỏ thương hiệu Gỗ Trường Thành?
Chủ tich U&I Investment Mai Hữu Tín chia sẻ về việc giải cứu Gỗ Trường Thành tại Diễn đàn M&A Vietnam 2019.

Đau xót khi nhìn thấy thương hiệu Phở 24 mà mình cùng các cổ đông gây dựng đã gần như biến mất sau khi bị bán đi nhưng ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Investment Group, cũng phải cương quyết xoá bỏ thương hiệu Gỗ Trường Thành sau khi thâu tóm doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đang ngập trong thua lỗ. 

Tại Diễn đàn M&A 2019 vừa được tổ chức hôm qua tại TP. HCM, ông Tín tiết lộ ban lãnh đạo mới đã mất cả năm tính toán xem lấy tên gì thay thế cho gỗ Trường Thành mà vẫn giữ mã chứng khoán TTF và cuối cùng chốt thương hiệu Total Furniture. 

Ông Tín cho biết, sở dĩ phải ‘giết chết’ thương hiệu gỗ Trường Thành bởi thương hiệu này mặc dù đã tồn tại trên thị trường một thời gian dài nhưng lại có nhiều vấn đề, nhiều lỗi và nếu giữ lại sẽ ảnh hưởng không tốt đến cổ đông và doanh nghiệp sau khi M&A.

Trục vớt con tàu đắm

Được ví như võ sỹ trên đấu trường kinh tế, ông Tín là gương mặt quen thuộc ở thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). 

Khởi nghiệp năm 29 tuổi với số vốn ban đầu 300 triệu đồng, trong đó có 200 triệu đi vay, vị doanh nhân Bình Dương đã gây dựng U&I Investment Corporation trở thành tập đoàn có 39 công ty thành viên và liên kết, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, dịch vụ tài chính, bán lẻ, công nghiệp và nông nghiệp.

Ông Tín nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám như giải cứu công ty bồn nước inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, và đặc biệt là quyết định có phần mạo hiểm khi tham gia trục vớt con tàu đắm – Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.

Gỗ Trường Thành từng là thương hiệu lớn trong ngành nội thất, nhưng do quản lý không tốt nên làm ăn thua lỗ. Trước khi ông Tín nhảy vào, Gỗ Trường Thành lỗ luỹ kế tới 1.768 tỷ đồng vào năm 2016 và âm vốn chủ sở hữu hơn 195 tỷ đồng.

Trở lại thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, khi Tân Liên Phát thoái vốn và không còn là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành thì xuất hiện Công ty CP Xây dựng U&I và mua gom cổ phiếu TTF. Ước tính, Xây dựng U&I đã chi hơn 232 tỷ đồng để sở hữu 29 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng với 20% vốn điều lệ.

Ông Tín tiếp nhận Gỗ Trường Thành khi doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt vấn đề. Đó không chỉ là lỗ luỹ kế lớn mà còn là nợ xấu với ngân hàng và các nhà cung cấp, số liệu tồn kho không chính xác và khó sử dụng; mất người giỏi, đầu tư phân tán và không hiệu quả, thiếu khách hàng tốt. Đặc biệt, vấn đề lớn nhất là quản trị kém.

Gỗ Trường Thành khi ấy như một cơ thể nhiều bệnh tật nên ông Tín cùng lúc phải xử lý hoàng loạt vấn đề, trong đó, ông Tín đặc biệt chú trọng vào câu chuyện cải thiện chất lượng quản trị, khâu yếu kém nhất khiến nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam rơi vào khủng hoảng và thua lỗ nặng nề.

“Những việc mà TTF đặt trọng tâm bao gồm tăng vốn, thanh lý hàng tồn không cần thiết và các khoản đầu tư không hiệu quả, tăng chất lượng con người và công tác quản trị, tập trung vào nơi mà TTF có thế mạnh lớn nhất là cung ứng hàng nội thất cho các dự án trong nước”, ông Tín nói.

Tuy nhiên, vấn đề làm ban lãnh đạo đau đầu là nên giữ lại thương hiệu Gỗ Trường Thành hay phát triển một thương hiệu mới. Cuối cùng, thương hiệu Total Furniture ra đời.

Chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2019, ông Tín cho biết, việc thay đổi thương hiệu từ Gỗ Trường Thành sang Total Furniture là thay đổi thương hiệu doanh nghiệp chứ không phải một sản phẩm cụ thể nên xác định sẽ phải dành nguồn lực và thời gian để vực dậy.

“Chúng ta không thể làm thương hiệu nếu không xác định tầm nhìn, chiến lược rõ ràng. Với Total Furniture, chúng tôi định hướng phải là công ty nội thất hàng đầu Đông Nam Á, muốn vậy phải thể hiện được giá trị cốt lõi nào, để có được chiến lược đi theo sát giá trị cốt lõi đó”, ông Tín khẳng định.

“Từ đó, chúng tôi xác định Total Furniture có ba giá trị cốt lõi là tốc độ, giá trị và sự minh bạch. Chúng tôi đeo đuổi ba giá trị này tới cùng, triển khai tới từng người lao động. Khi đó, người trong ngành mới tin tưởng Total Furniture và sẽ mời gọi nhiều đối tác đi cùng”, ông Tín nói và cho biết đó là lý do vì sao hiện nay ông là người điều hành tại công ty và dành gần như toàn bộ nguồn lực của mình vào đây.

Total Furniture dưới thời ông Tín đang dồn sức cho sản xuất. Hiện nay, nhà máy có thể sản xuất hầu như tất cả các mặt hàng nội thất bằng gỗ tự nhiên và ván công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Được coi là doanh nhân mát tay khi giải cứu thành công Giấy Sài Gòn và đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn và làm ăn có lãi trở lại từ năm 2015, nhưng diễn biến kinh doanh của Total Furniture sau ba năm dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Mai Hữu Tín vẫn chưa thể nhanh chóng đột phá như kỳ vọng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, công ty đạt doanh thu 1.045 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch. Tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 lên hơn 2.122 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu theo đó chỉ còn chưa đến 20 tỷ đồng.

Những bước đi tiếp theo

Ông Tín cho biết, để biến Total Furniture trở thành công ty nội thất số 1 Đông Nam Á sẽ là quá trình rất dài và việc sáp nhập Total Furniture với Sứ Thiên Thanh là một mắt xích trong quá trình đó bởi ông cho rằng “những cái đứng sau thương hiệu sẽ tạo ra giá trị cho thương hiệu đó”.

Sứ Thiên Thanh có vốn điều lệ 117,6 tỉ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn vật liệu xây dựng; khai thác đá, cát, sỏi và CTCP Đồng Tâm của "bầu Thắng” sở hữu 47,3% vốn điều lệ. Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 12,58 tỷ đồng năm 2015 nhưng giảm xuống chỉ còn 5,11 tỷ đồng vào năm ngoái.

Dựa trên kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua, TTF sẽ chào bán 96,6 triệu cổ phiếu để hoán đổi theo tỷ lệ 8,21:1 với cổ phiếu Sứ Thiên Thanh. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của TTF sẽ tăng từ hơn 2.146 tỷ đồng lên gần 3.11 tỷ đồng. Sau sáp nhập, TTF và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó Sứ Thiên Thanh sẽ được chuyển đổi thành công ty TNHH MTV do TTF sở hữu 100% vốn.

Ông Tín lý giải thương vụ sáp nhập với Sứ Thiên Thanh là vì ông “rất yêu thích thương hiệu được sinh ra từ năm 1950 và Việt Nam rất ít thương hiệu lâu đời”. Đồng thời, việc sáp nhập cũng cho phép TTF tham gia chuỗi cung ứng trọn gói cho các chủ đầu tư, từ nội thất cho đến vật liệu xây dựng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Tín vẫn kỳ vọng TTF đạt doanh thu 1.700 - 1.900 tỷ đồng trong năm nay và có lãi.