Tân tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình: Tái cấu trúc là ưu tiên hàng đầu

Trần Anh - 17:29, 20/06/2023

TheLEADERÔng Lê Văn Nam, tân Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình vừa chia sẻ về kế hoạch tái cấu trúc toàn diện tập đoàn nhằm giúp Hòa Bình vượt qua cơn bão và trở lại vị thế số một ngành xây dựng Việt Nam.

Theo đó, tái cấu trúc tài chính là ưu tiên hàng đầu của Hòa Bình trong lúc này. Đó là việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. 

Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Hòa Bình. Bên cạnh đó là công tác tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới và định giá lại tài sản của công ty. 

Ông Nam cho rằng, việc tiến hành định giá tài sản mà chủ yếu là máy móc, thiết bị để ghi nhận lại giá trị hiện tại và khẳng định giá trị còn cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trong sổ sách kế toán. 

Hiện nay các máy móc thiết bị này vẫn được khai thác thêm rất nhiều năm nữa. Theo báo cáo tài chính ngày 31/3/2023 tổng đầu tư máy móc thiết bị của Hòa Bình là 2.189 tỷ đồng, trên sổ sách đã khấu hao 1.344 tỷ đồng. Giá trị còn lại là 845 tỷ đồng. Hiện giá trị đã khấu hao 1.344 tỷ đồng bao gồm rất nhiều máy móc thiết bị vẫn còn giá trị sử dụng cao nhưng trong sổ sách ghi nhận giá trị bằng 0 do đã quá 8 năm sử dụng. Trong khi đó so với thời giá nếu mua mới những thiết bị đó, do trượt giá sẽ cao hơn từ 30 – 60%.

Theo kế hoạch dự kiến trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Hòa Bình sẽ phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu, giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu nhằm thu về tối thiểu 3.228 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.

Ngày 17/6, HĐQT công ty cũng đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại công ty TNHH Máy Xây dựng Matec (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của tập đoàn) cho nhà đầu tư Ashita Group mua lại một phần số máy móc thiết bị trên với giá 1.100 tỷ đồng. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc Hòa Bình đã được bổ sung thêm 1.100 tỷ đồng nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, nhiều bất động sản của công ty bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP HCM mua từ nhiều năm trước cũng sẽ được định giá lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế , giúp tăng thêm vốn chủ sở hữu cho Hòa Bình.

Tân Tổng Giám đốc Hòa Bình còn cho biết tập đoàn sẽ chỉ giữ lại các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tiếp tục đầu tư cho công ty đó phát triển tiến đến mục tiêu IPO. Nếu công ty nào hoạt động không hiệu quả và không còn phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai, tập đoàn sẽ thoái vốn và có thể giải thể.