Tập đoàn Đèo Cả yêu cầu cấp dưới học thạc sĩ, tiến sĩ

Hứa Phương - 14:04, 09/11/2023

TheLEADERTheo nghị quyết của HĐQT mới ban hành, Tập đoàn Đèo Cả yêu cầu 4-6 năm nữa, các phó chủ tịch phải là tiến sĩ, thành viên ban điều hành là thạc sĩ.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa thông nghị quyết về việc giao nhiệm vụ học tập, nghiên cứu nâng cao học vị với người tham gia quản lý, điều hành. 

Theo đó, các phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, không gồm thành viên HĐQT độc lập, phải tham gia chương trình nghiên cứu sinh theo lĩnh vực được phân công và đến 31/12/2028 phải trở thành tiến sĩ.

Đồng thời, các thành viên ban điều hành tập đoàn, đơn vị thành viên, văn phòng HĐQT tham gia học tập chương trình cao học theo lĩnh vực chuyên môn được phân công và đến 31/12/2026 phải là thạc sĩ.

Tập đoàn Đèo Cả hiện có 7 phó chủ tịch đều đã là thạc sĩ về quản trị kinh doanh, xây dựng cầu đường. Chủ tịch HĐQT, ông Hồ Minh Hoàng là kỹ sư điện, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Tại ban điều hành, tập đoàn có 11 thành viên, trong đó 10 người là thạc sĩ, 1 người là tiến sĩ.

Chủ tịch Đèo Cả Group yêu cầu cấp dưới phải là thạc sĩ, tiến sĩ
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh Thế Sơn

Ông Hoàng cho biết sẽ khen thưởng các cá nhân hoàn thành nhiệm vụ học tập và nghiên cứu đạt học vị tùy tình hình thực tế và kết quả. Ngược lại, ông cũng sẽ xem xét kỷ luật dưới các hình thức như bãi nhiệm, điều chuyển công việc với các cá nhân không hoàn thành việc nâng cao học vị.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả được biết đến là một người đề cao vai trò việc học tập và chủ động xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cho tập đoàn.

Năm ngoái, ông đã khen thưởng 10 người có thành tích học tập tốt trong khoá học đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp cho hàng chục lãnh đạo của Đèo Cả tại một đại học trong nước. Sau đó, 5 học viên đạt điểm tốt nghiệp xuất sắc nhất được tập đoàn cử tham gia tiếp chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ.

“Văn hoá và con người là hai thứ không thể vay mượn được. Ở Tập đoàn Đèo Cả học tập là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục song hành với hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Hoàng nói.

Tại hội nghị kết nối đầu tư của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả mới đây, ông Hoàng cho biết, tập đoàn đã đưa vào sử dụng trung tâm huấn luyện thực hành Đèo Cả tại Đà Nẵng.

Nhiệm vụ của trung tâm là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tổ chức. Công trình có phòng hội nghị phục vụ các chương trình đào tạo quy mô hơn 300 người, là nơi công đoàn và các phòng huấn luyện thực hành như phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

Cuối tháng 9/2023, Tập đoàn Đèo Cả đã cùng trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM thành lập Viện Nghiên cứu - đào tạo Đèo Cả với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp, cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tập đoàn Đèo Cả được mệnh danh là "Vua hầm" khi đã xây dựng hơn 22 km hầm đường bộ, cùng với đó là 275 km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí, với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả cũng đang tham gia vào các công trình giao thông quan trọng khác như một số gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam. Bên cạnh đó Đèo Cả cũng đã cử hơn 100 cán bộ đi học chuyên ngành về đường sắt cao tốc để chuẩn bị cho tương lai.