Đèo Cả lý giải nguyên nhân tăng phí trạm Bắc Hải Vân

An Chi - 08:30, 27/04/2021

TheLEADERCông ty CP Đầu tư Đèo Cả khẳng định, việc điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân được thực hiện theo lộ trình của hợp đồng dự án đã ký kết để hoàn vốn và chi trả các chi phí trong quá trình khai thác, vận hành.

Đèo Cả lý giải nguyên nhân tăng phí trạm Bắc Hải Vân

Theo thông tin từ Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, mức thu phí dịch vụ tại trạm thu phí Bắc Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) sẽ được điều chỉnh từ 0h ngày 1/5/2021.

Tính theo giá vé lượt, giá thu phí qua trạm Bắc Hải Vân sẽ được điều chỉnh tăng từ 30.000 - 70.000 đồng/lượt xe, tùy từng loại xe. Cụ thể, đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng, giá vé lượt là 110.000 đồng, vé tháng là 3.300.000 đồng, vé quý là 8.910.000 đồng. 

Với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn, giá vé lượt là 160.000 đồng, vé tháng 4.800.000 đồng, vé quý 12.960.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có giá vé lượt là 200.000 đồng, vé tháng 6.000.000 đồng và vé quý 16.200.000 đồng. 

Với xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet, giá vé lượt là 210.000 đồng, vé tháng 6,3 triệu đồng, vé quý 17,01 triệu đồng. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet có giá vé lượt tăng lên 280.000 đồng, vé tháng 8,4 triệu đồng, vé quý 22,68 triệu đồng.

Về quyết định điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả chia sẻ, đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành các nghĩa vụ của hợp đồng với cơ quan nhà nước khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án.

Trên cơ sở hợp đồng đã ký kết, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản số 2230/BGTVT-ĐTCT ngày 16/4/2021 đồng ý việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để doanh nghiệp có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 khi đưa vào khai thác.

"Việc điều chỉnh giá vé phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân được thực hiện theo lộ trình của hợp đồng dự án đã ký kết. Giá vé tuân thủ theo Thông tư 60/2014/TT-BGTVT đối với công trình hầm đường bộ", ông Nam cho hay.

Cũng theo ông Nam, không giống với một số dự án BOT trên quốc lộ 1A, người dân không có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ, tại hầm đường bộ này, các phương tiện có nhiều sự lựa chọn để lưu thông. Người tham gia giao thông có thể trải nghiệm dịch vụ hầm Hải Vân đã được tối ưu, hoặc đi đường đèo không mất phí, hoặc di chuyển cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp đi vào vận hành.

Chia sẻ về quyết định điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân, ông Nam không dấu những khó khăn về tài chính của dự án vẫn đang còn tồn tại. 

Theo đó, dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) có tổng vốn đầu tư 21.612 tỷ đồng. Theo hợp đồng BOT được Nhà nước ký kết với Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, vốn BOT là 16.564 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng (chiếm 23,35% tổng vốn đầu tư).

Số vốn nhà nước lẽ ra phải giải ngân trong quá trình thực hiện dự án, nhưng hiện vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân. 

Cùng với đó là việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan. Theo hợp đồng đã ký kết, nhà đầu tư được sử dụng các trạm thu phí An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân để hoàn vốn nhưng hiện Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định không thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan nữa mà bố trí bằng trạm khác. Song hiện nay vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan nhà nước cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc này khẳng định, sự điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân không nhằm bù đắp phần vốn của nhà nước chưa được giải ngân của dự án này. Vừa qua, nhiều thông tin cho rằng Đèo Cả đề nghị tăng phí dịch vụ tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để hoàn vốn cho nhóm hầm Phú Gia – Phước Tượng cũng là không chính xác.

"Việc tăng phí tại trạm Bắc Hải Vân thực hiện theo lộ trình của hợp đồng dự án đã ký kết để hoàn vốn. Mặt khác, khi đưa vào khai thác, vận hành, dự án sẽ phát sinh rất nhiều chi phí như điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng.

Còn lại, với các vướng mắc về tài chính và phần thâm hụt vốn ngân sách Nhà nước tại dự án, nhà đầu tư vẫn đang phải chịu, chưa có giải pháp nào để bù đắp", ông Nam nhấn mạnh. 

Được biết, hầm Hải Vân 2 (nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng) được khánh thành vào ngày 11/1/2021. Đây là hầm đường bộ xuyên núi dài nhất Đông Nam Á với hơn 6,2 km. Cùng với hầm Hải Vân 1 (hoàn thành năm 2005), hầm Hải Vân 2 đã tạo nên một công trình hầm đường bộ hoàn chỉnh, khi phân tách 2 chiều di chuyển riêng cho mỗi ống hầm.

Thời gian di chuyển nếu phương tiện đi qua đường đèo là 45 phút, di chuyển 2 chiều qua hầm Hải Vân 1 trước đây là 15 phút. Nay với 2 ống hầm Hải Vân được lưu thông mỗi ống hầm 1 chiều, thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tiếng ồn, giảm khói bụi do quẩn khí, giảm tiêu hao nhiên liệu của phương tiện, giảm thiểu triệt để tai nạn giao thông, chấm dứt tình trạng ùn tắc kéo dài.