Thành bại của bán hàng online

Việt Hưng - 17:09, 21/04/2022

TheLEADERSự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang đặt ra những bài toán mới về vai trò kết nối của các công ty chuyển phát nhanh, khi yêu cầu về thời gian, chất lượng giao hàng từ người bán đến người mua...

Với cú hích từ dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã và đang tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Điểm sáng của thị trường thương mại điện tử năm 2022 thể hiện ở xu hướng tích cực triển khai hình thức kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thậm chí là cá nhân, từ thành thị đến nông thôn, mở rộng ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm.

Báo cáo Year In Search 2021 được thực hiện bởi Google cho thấy số lượt tìm kiếm thông tin về cách bán hàng trực tuyến liên quan đến nhà bán hàng và người bán hàng tại Việt Nam trong giai đoạn từ đầu tháng 9/2020 đến hết tháng 8/2021 đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn một năm trước đó.

Không chỉ thúc đẩy nhiều nhà bán hàng tham gia vào nền kinh tế số, đại dịch còn là chất xúc tác cho xu hướng chuyển sang tiêu dùng kỹ thuật số của phần lớn người Việt Nam. Nếu vài năm trước đây, người tiêu dùng vẫn còn khá dè dặt với khái niệm mua hàng online, bởi vốn dĩ thói quen được trải nghiệm sản phẩm ngay tại cửa hàng là một trong những nhu cầu khi mua sắm.

Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của mọi người, bất kể khu vực thành thị hay nông thôn. Theo báo cáo thường niên về hành vi người tiêu dùng được thực hiện bởi Facebook, người tiêu dùng nông thôn ngày càng mua sắm nhiều hơn, với 46% người sử dụng Internet đến từ các tỉnh, thành phố thừa nhận tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến.

Không chỉ thường xuyên mua hàng, 85% người dùng Việt cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua sắm trực tuyến. Báo cáo của Google cũng chỉ ra rằng bên cạnh sự thống trị của khu vực thành thị trên "bản đồ trực tuyến" về chi tiêu, thị trường nông thôn Việt Nam cũng đang trên đà phát triển và sẵn sàng cho mức tăng trưởng nhanh vượt bậc trong tương lai.

Thành bại của bán hàng online
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của mọi người

Hiện nay, ngay cả những mặt hàng xa xỉ phẩm, khách hàng vẫn có thể thử trên website với các tính năng tối ưu hóa mà không cần trực tiếp có mặt tại cửa hàng. Nếu cảm thấy sản phẩm phù hợp, người dùng hoàn toàn có thể đặt mua và được giao hàng đến tận nhà trong một khoảng thời gian nhất định.

Sự phát triển mạnh mẽ này đồng thời đã đặt ra những bài toán mới về vai trò kết nối của các công ty chuyển phát nhanh, khi yêu cầu về thời gian, chất lượng giao hàng từ người bán đến người mua cao vượt trội so với trước.

Dự đoán về sự phát triển của mảng kinh doanh trực tuyến, ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng giám đốc Accesstrade cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn và được dự đoán sẽ là quốc gia có nền kinh tế số lớn thứ nhì khu vực Đông Nam Á vào năm 2025.

Ngoài nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, người tham gia vào nền kinh tế số còn có thể là các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu bán hàng trực tuyến cho khách hàng nội địa hoặc bán hàng xuyên biên giới.

Tuy chân dung của người kinh doanh trực tuyến vô cùng đa dạng, nhưng họ đều có chung một số những khó khăn như: thiếu nguồn kiến thức được hệ thống một cách bài bản về kinh doanh trực tuyến, áp lực cạnh tranh về giá, lúng túng khi xử lý các khâu liên quan vận hành, vận chuyển hàng hoá, giải đáp khiếu nại, thắc mắc khi gặp các sự cố…

"Để phát triển nền kinh tế số, thương mại điện tử cần đi trước, theo sau là những dịch vụ logistics, chuyển phát hàng hóa. Chất lượng hạ tầng của ngành logistics nói chung cũng như chuyển phát nhanh nói riêng đã được nâng lên rất nhiều, giúp người dùng có lòng tin hơn, cũng như nâng cao trải nghiệm của người nhận hàng. Khi các doanh nghiệp vận chuyển có thể làm tốt điều người dùng trông chờ thì tôi tin việc nền kinh tế số đóng góp 50 - 60 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam sẽ thành hiện thực", ông Đỗ Hữu Hưng chia sẻ.

Thành bại của bán hàng online 1
Lãnh đạo Accesstrade và J&T Express Việt Nam

Trên cương vị là doanh nghiệp giao hàng chuyển phát nhanh quốc tế và là đối tác của nhiều sàn TMĐT lớn, ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam cũng chia sẻ nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng người kinh doanh trực tuyến.

Ông Bình cho biết: "Khẩu hiệu của J&T Express là “Express your online business”, với ý nghĩa chúng tôi mang lại giải pháp hỗ trợ cho khách hàng kinh doanh trực tuyến dễ dàng và hiệu quả hơn. Ngày nay, người bán không cần phải có cửa hàng quá hoành tráng mà chỉ cần có hàng hóa tốt, chúng tôi sẽ cung cấp các dịch vụ phù hợp để mang hàng hóa của người bán đến tận tay người dùng".

Hiện nay, trên thị trường bán lẻ còn xuất hiện xu hướng "Think Global, Act Local" (Tư duy theo quy mô toàn cầu, hành động theo đặc trưng địa phương) là kim chỉ nam phát triển bền vững của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi tiến vào thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp luôn chủ động ưu tiên kết hợp yếu tố toàn cầu và bản địa.

Năm 2022 với cơ hội thị trường rộng mở, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh..., thậm chí là các cá nhân từ thành thị đến nông thôn đều tích cực gia nhập "sân chơi" kinh doanh online.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, xu thế kinh doanh online vẫn còn tồn tại không ít thách thức, nhất là đối với những người mới khởi sự kinh doanh. Có thể kể đến những vấn đề thực tế mà đơn vị kinh doanh online vướng phải như: hiếu hụt nhân sự, kiến thức, hỗ trợ từ đối tác, tham gia chuỗi cung ứng...

Đặc biệt, đơn vị kinh doanh online cần được tư vấn và cung cấp các giải pháp theo mô hình one-stop shop (nơi khách hàng có thể sử dụng được các sản phẩm và dịch vụ với giải pháp trọn gói, tích hợp và mang lại hiệu quả cao nhất).